Những vùng tràm gió nhấp nhô, sum suê nhành lá, xanh tốt giữa vùng cát trắng trải dài. Với nhiều người nơi đây, lá tràm gió trước đây tưởng như thứ vô dụng, không mang lại giá trị. Vậy mà, công việc hái lá tràm gió đã và đang là công việc ổn định giúp người dân có thêm khoản thu nhập, trang trải cuộc sống.
Rừng tràm gió thôn Nhĩ Hạ có diện tích gần 100ha đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống người dân nơi đây, che chắn cát bay để người dân ổn định đời sống, sinh hoạt cũng như sản xuất phát triển nông nghiệp.
Công việc hái lá tràm gió của người dân thôn Nhĩ Hạ (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây, bắt đầu từ nhu cầu thu mua nguyên liệu của các cơ sở sản xuất tinh dầu tràm trên địa bàn. Tràm gió cho lá quanh năm, các cơ sở sản xuất tinh dầu thu mua nhiều nên việc hái lá cũng diễn ra quanh năm, tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Ông Phạm Văn Dục (55 tuổi, thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) người có nhiều năm hái lá tràm gió, chia sẻ: “Mỗi ngày, bắt đầu đi từ khi sáng sớm, kết thúc lúc chiều muộn mới về, thường dụng cụ mang theo cũng đơn giản cho chuyến đi, một cái chấu liềm và mấy bao tải to để đựng lá, thu nhập bình quân mỗi ngày giao động từ 200 - 250 ngàn đồng/người".
Cây tràm gió cao từ 0,5m trở lên thì cho lá có thể thu hoạch, đã nhiều năm gắn bó với nghề nên ông Dục đã quen thuộc với từng khu vực có tràm gió mọc. Hôm nay hái ở khu vực này thì ngày mai phải đi chỗ khác.
Nhiều người nghĩ rằng, lá tràm gió mọc sẵn, nhiều, cứ việc hái lá, bẻ cành rồi mang về. Nhưng công việc nào cũng có cái khó nhọc riêng, hái lá tràm gió cũng không hề đơn giản.
Gặp những vùng có cây cao khó hái phải trèo lên mới hái được lá, thân cây tràm dễ gãy mà người hái lá không có dụng cụ bảo hộ, có những vùng cây cao 10-15m, rất nguy hiểm.
Những vùng tràm gió thấp thì đỡ hơn phần nào, nhưng lâu cũng bị gai góc đâm vào tay, vào người, rắn rết cắn
Tràm gió hái xong tập kết một chỗ được thương lái, chủ các cơ sở sản xuất tinh dầu trên địa bàn thu mua tại chỗ, ngày bình thường mỗi người có thể hái được khoảng 30 đến 40kg, người chịu khó có thể hái hơn nửa tj.
Người dân nơi đây, làm ruộng trồng lúa, trồng hoa màu vẫn là nghề chính, công việc đi hái lá tràm chỉ là nghề phụ, nhưng đem lại thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Nhận thấy lợi thế về nguồn nguyên liệu có sẵn cùng đầu ra sản phẩm được ưa chuộng, hiện nhiều hộ trong thôn đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở để sản xuất tinh dầu tràm. Thu nhập bình quân từ việc nấu tinh dầu mỗi ngày 500. 000 đồng/người.
Ông Nguyễn Văn Trị, Trưởng thôn Nhĩ Hạ (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Trước đây, vùng rừng tràm gió thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác trộm cát ồ ạt, cũng như người dân từ nhiều nơi khác tới khai thác tràm gió không đúng cách, tận diệt, khiến rừng có nguy cơ bị xóa sổ, đe dọa môi trường, mất cân bằng sinh thái...".
"Trước thực trạng trên, thôn đã tiến hành tổ chức đấu giá giao quyền khai thác, để người dân trong thôn chủ động bảo vệ, khai thác tràm gió một cách hiệu quả và bền vững hơn. Rừng tràm gió cũng đem lại thu nhập góp phần phát triển thôn làng, cũng như ổn định đời sống người dân nơi đây”, ông Nguyễn Văn Trị. |