Dân Việt

Mở cửa vườn quýt đặc sản cho du khách trải nghiệm, thu trăm triệu

Liễu Chang 17/12/2019 07:30 GMT+7
Những năm gần đây, tại huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), cây quýt được quan tâm mở rộng diện tích nhanh chóng. Trở thành cây ăn quả hàng hóa có giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp bà con các dân tộc trên địa bàn huyện có thu nhập khá mà còn mở ra triển vọng phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng cho địa phương.

Khai thác tiềm năng từ quả quýt

Từ hàng chục năm nay, giống quýt vàng Bắc Sơn trồng trên các thung lũng đã nổi tiếng khắp nơi bởi trái quýt hội tụ màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng. Dường như bao tinh tuý của núi rừng Bắc Sơn đã dồn vào tạo cho quả quýt có một hương vị đặc biệt thơm ngon không giống nơi nào khác.

img

  Gia đình anh Phan Văn Hiền ở thôn Hồng Phong IV (xã Chiến Thắng) chọn giống cây quýt đặc sản địa phương để trồng, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại vườn.  Ảnh:  L.C

Hiện Bắc Sơn có 13 điểm có tiềm năng đầu tư phát triển du lịch, điển hình ở các xã Chiến Thắng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Long Đống, Đồng Ý… Đây là những vùng trồng quýt chủ lực của huyện. Lượng khách du lịch đến với Bắc Sơn những năm gần đây tăng mạnh, cao điểm có năm đón đến hơn 100.000 lượt khách trong và ngoài nước. 

Ông Dương Trần Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: "Những năm qua, cây quýt vàng đã trở thành cây mũi nhọn, là chìa khóa giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn nâng cao thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế. Song song với duy trì diện tích quýt lâu năm được trồng trong lân, lũng, người dân một số xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn còn đưa cây quýt xuống trồng ở nương, bãi. Đến nay, diện tích cây quýt vàng toàn huyện đạt trên 600ha”.

Cùng với việc mở rộng diện tích cây quýt, việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm quýt vàng đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật trong đó chính là phát triển cây quýt vàng theo hướng VietGAP. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc của người dân, đến nay diện tích quýt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện đạt trên 150ha.

Ông Đặng Văn Lương là một trong những người đầu tiên ở xã Chiến Thắng thành lập HTX kiểu mới, lấy tên là HTX Nông nghiệp Nam Hồng, thu hút 18 thành viên tham gia. HTX thành lập với mục đích phát triển sản xuất cây ăn quả, bước đầu là đặc sản quýt vàng Bắc Sơn theo chương trình VietGAP nhằm tạo thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Lương cho biết, hiện nay HTX Nam Hồng đã phát triển được trên 17ha cây quýt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được Nhà nước quan tâm hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt gồm: Téc nước, đường ống, địa điểm bán hàng, biển báo. Ngoài ra, HTX cũng chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện mở các lớp chuyển giao về KHKT trong thâm canh cây ăn quả có múi.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều người dân trồng quýt trên địa bàn huyện đã nâng cao thu nhập từ quýt vàng. Doanh thu trung bình từ quýt đạt trên 40 tỷ đồng/năm.

Mở dịch vụ thu hái quýt tại vườn

Bắc Sơn không phải vùng “đất vàng” về du lịch, nên những năm qua, lượng khách đến địa phương còn khá khiêm tốn, chủ yếu là khách địa phương và các tỉnh lân cận. Những làng nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa, làng du lịch cộng đồng và ẩm thực đặc sắc kết hợp với vườn quýt vào mùa thu hoạch trĩu quả chính là yếu tố quan trọng góp phần thu hút khách du lịch. Cứ mỗi mùa quýt chín, Bắc Sơn lại trở nên rộn ràng hơn, bởi lượng khách đến tham quan và thu hái quýt tại vườn.

Nắm thời cơ, nhiều hộ trồng quýt đã xây dựng dịch vụ cho khách tham quan thu hái, mua quýt tại vườn. Đây cũng là dịch vụ rất hút khách mỗi khi quýt vào vụ và giải tỏa được nỗi băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm so với quýt được bày bán tại chợ.

Vườn quýt Hang Hú ở xã Chiến Thắng là một điểm nhấn nổi bật nhất trong việc kết hợp giữa phát triển quýt gắn với du lịch. Ông Hoàng Quang Phiệt - chủ vườn quýt Hang Hú cho biết, cây quýt được trồng ở Hang Hú từ năm 1986, gia đình ông mở dịch vụ đón khách vào tham quan vườn quýt từ năm 2017. Ông nhận thấy những điều kiện phù hợp cho việc đón khách du lịch như cây quýt cổ to, sai quả, địa hình, phong cảnh đẹp... nên đã quyết định đầu tư.

Lượng khách du lịch tham quan vườn quýt Hang Hú tăng đều qua từng năm. Nếu như năm đầu tiên mở cửa, vườn quýt thu hút trên 6.000 lượt khách thì dự kiến năm 2019 này, lượng khách tham quan sẽ đạt trên 12.000 lượt. Khách tham quan, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ đã giúp gia đình tăng thêm thu nhập lên 500 - 600 triệu đồng. Không chỉ tăng giá trị từ kết hợp trồng quýt với phát triển du lịch, việc tổ chức đón khách tham quan còn góp phần quảng bá sản phẩm quýt vàng của quê hương.

Ông Vi Đình Thiện - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bắc Sơn nhận định, quýt vàng là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định cho người dân. Hiện nay, địa phương đang nỗ lực xây dựng vùng quýt hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người dân từ cây trồng này.

“Hoạt động du lịch tại Bắc Sơn hiện mới chỉ là tiềm năng, chưa có sự đầu tư thỏa đáng để tạo sức hút. Nhưng với những tiềm năng hiện có, Bắc Sơn hoàn toàn có thể khai thác và phát triển du lịch văn hóa địa phương gắn với các hoạt động từ các mô hình trồng cây ăn quả” - ông Thiện đánh giá.