Vật giá tăng, tiền mất giá, tiền công, tiền giống đều tăng, bà con trong thôn ngoài xã hễ gặp nhau chỉ nhận được cái lắc đầu lo lắng cho những thông tin không mấy khả quan về thời tiết, về giá cả.
Tháng Giêng, cái loa truyền thanh thay vì thông báo những chuyện lễ lạt, hội hè, mừng thọ như mọi năm, năm nay đã chuyển sang ưu tiên cho vấn đề thủy lợi, xuống giống lại, giá phân bón và cả những thông tin về thị trường lao động, ngày giờ xuất bến của những chuyến xe đi Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM...
Những mẩu tin phát thanh về chính sách tuyển dụng công nhân của các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc, rồi tuyển người giúp việc gia đình tại các thành phố được bà con đón nghe chăm chú với phương châm tìm một cách khả quan nhất để có thêm thu nhập sau gần cả tháng hội hè. Nhiều gia đình, ngày tết đông vui, ồn ào là thế, nhưng cuối Giêng bỗng vắng tanh, 5 gian nhà chỉ còn lại ông bà già lụi cụi, cháu con khỏe mạnh đều đã theo nhau rời làng đi làm thuê, làm mướn, hẹn xuân tới tái ngộ...
Cứ nhìn cái cảnh bà cô tôi thủ thỉ với đứa con gái vừa học xong lớp 9 ở nhà giúp mẹ chăm 6 sào ruộng khoán, rồi băm phơi nốt 2 sào sắn trong khi con bé cứ nằng nặc đòi được xuống thành phố Vĩnh Yên để làm giúp việc cho gia đình người ta thì cũng đủ cảm nhận được phần nào sự khan hiếm lao động ở nông thôn sau Giêng khi bước vào mùa vụ.
Cô tôi có 4 đứa con sàn sàn tuổi nhau và đều bỏ học sớm để đi làm thuê, cứ qua rằm tháng Giêng là rủ nhau ra phố hết để thoát cảnh “chân lấm tay bùn”. Giờ đây, chỉ có tết con cái mới về đầy đủ, hết “tháng ăn chơi” ở nhà chỉ còn lại người già và vài đứa trẻ con. Chẳng thế mà thông tin về ngày giờ chuyển bánh của những chuyến xe ngược phố được mọi người chú trọng lắm. Chạnh lòng nhất là những người mẹ nghe ngóng thông tin để chuẩn bị đồ tiễn con. Ra đến ngoài phố rồi, quen với cuộc sống mới, về nhà cám cảnh lại không thể không đi, cái nghèo như một động lực. Về làng được mấy ngày tết, cùng lắm ở đến hết tháng Giêng, sửa vội hàng rào đã mục, ra ra vào vào, nhìn cánh đồng lúa vàng hoe... ai mà chẳng muốn rời quê ra phố.
Nhà ông Tân ở cuối thôn cũng vậy, có 4 người con thì 3 đứa vào làm thuê tận miền Nam, Tết vừa rồi cũng chỉ mỗi anh út đang học năm cuối cao đẳng dưới thành phố về với bố mẹ. Hôm đưa con ra bắt xe để xuống trường, cậu ngập ngừng đề xuất với bố cố chuẩn bị trước một khoản tiền để tháng 6 này tốt nghiệp xin việc ở thành phố. Thương con, ông Tân ậm ừ nhưng lòng thì rối bời, lo tiền một phần nhưng lo hơn lại là cứ với đà này không khéo xuân tới, chỉ có hai vợ chồng già ăn tết với nhau...
Cận Quê