Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó TTK Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Tiêu chuẩn xả thải quá “hà khắc”
Chia sẻ tại hội thảo “Công bố báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 02 và Nghị quyết 35 – Từ góc nhìn doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó TTK Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, bản thân ngành chế biến thuỷ sản có hoạt động liên quan tới quản lý của 7 Bộ, ngành.
“Dường như các Bộ, ngành có sự nể nang nhau nhiều, kéo theo khi doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi lại không đạt được kết quả sửa đổi 100%. Có những kiến nghị nói đi nói lại. Có thể ngành chúng tôi không phải để ưu tiên nhưng những vấn đề mang tính nổi cộm chúng tôi đề nghị đầu năm, cuối năm vẫn còn nguyên”, ông Nguyễn Hoài Nam bức xúc.
Theo vị Phó TTCK VASEP, doanh nghiệp chế biến thuỷ sản hiện đang phải đối mặt với rào cản từ chỉ tiêu xả thải của ngành tài nguyên môi trường.
Cụ thể, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu Phốt pho và Nitơ.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) vẫn chưa có trong kế hoạch ban hành quy chuẩn Việt Nam.
“Hiệp hội cũng đã tiến hành khảo sát vào tháng 10 năm ngoái, nhưng hơn 1 năm qua khó khăn vẫn còn đó. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đề nghị và được Bộ TNMT hứa xem xét và ban hành QCVN thay thế QCVN 11:2015 ngay trong năm 2019, nhưng không hiểu sao vẫn chưa được”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Theo ông Nam, sự chậm trễ của các Bộ, ngành quản lý đang đặt doanh nghiệp chế biến thủy sản vào thế khó trong việc cạnh tranh với các đối thủ để tiếp cận thị trường xuất khẩu, đặc biệt là ở thời điểm Hiệp định EVFTA sắp được thực thi.
“Chúng tôi đã đề nghị Bộ TNMT sớm soát xét, ban hành QCVN mới thay thế QCVN 11:2015, trong đó xem xét nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu Phốt pho vào trong dự thảo QCVN 11: 2017/BTNMT về nước thải CBTS lên mức 40-50 mg/l và giữ nguyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Nitơ như QCVN 11:2015”, ông Nam nói.
Bên trong một nhà máy chế biến cá tra. (Ảnh minh hoạ)
Cùng với đề xuất này, Nguyễn Hoài Nam đề nghị lộ trình áp dụng phù hợp cho quy chuẩn mới theo thông lệ quốc tế, khoảng 5-10 năm hay như trường hợp của Mỹ là 10 năm, để các doanh nghiệp chủ động đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.
Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu Phốt pho, Amoni, tổng Nitơ trong nước thải sau khi xử lý tại nhà máy chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) ở mức thấp so với khả năng của thực tế. Ngay các nhà máy đầu tư công nghệ mới và hệ thống xử lý nước thải đầy đủ cũng rất khó đạt. Do đó, kết quả thanh, kiểm tra hàng năm của ngành môi trường luôn có tỷ lệ lớn doanh nghiệp không đạt, bị phạt vi phạm hành chính môi trường.
Trong trường hợp nếu khách hàng quốc tế biết rằng, các nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam vi phạm quy định môi trường của Việt Nam, cơ hội để đưa hàng vào thị trường EU và nhiều thị trường lớn khác gần như đóng kín. Vì yêu cầu đầu tiên của các nhà nhập khẩu là doanh nghiệp không được vi phạm pháp luật, nhất là các quy định về môi trường, lao động... của Việt Nam.
“Các tiêu chuẩn này không phù hợp, thậm chí là hà khắc so với quy định của nhiều nước, trong đó có các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam”, ông Nam nói.
“Giờ đi đâu cũng tôi cũng gọi thuỷ sản là ngành 18+”
Chia sẻ về những quy định đối với người lao động trong ngành chế biến thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam không ngần ngại ví von: “Giờ đi đâu cũng tôi cũng gọi thuỷ sản là ngành 18+ vì đang thực hiện một quyết định tạm thời từ năm 1999. Nội dung quyết định đó ghi rằng thuỷ hải sản là ngành nặng nhọc, độc hại cấp độ IV. Chiếu theo điều 163 của Bộ Luật Lao động trước đây, doanh nghiệp không được sử dụng lao động ở độ tuổi vị thành niên cho những công việc nặng nhọc, độc hại.
Một nhà máy chế biến thuỷ sản có rất nhiều công việc từ đơn giản tới phức tạp. Nhưng với quy định như vậy, tới khi tổ chức an sinh xã hội nước ngoài hay khách hàng kiểm tra, tham quan doanh nghiệp. Chỉ cần họ phát hiện một lao động chưa đủ 18 tuổi, ngay lập tức sẽ cắt hợp đồng với doanh nghiệp”.
Theo ông Nam, trong những nỗ lực nhằm sửa đổi quy định, VASEP đã chỉ ra 8 công việc nặng nhọc, độc hại bên trong một nhà máy chế biến thuỷ sản, bao gồm những công việc phải tiếp xúc với nồi hơi, phòng cấp đông, máy lạnh…
“Trong khi nhiều địa phương đang thiếu lao động, chúng ta lại cấm bằng một quyết định tạm thời số 190, được ký ban hành vào tháng 3/1999. Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị, nhưng chỉ nhận được câu trả lời sẽ sửa, kéo dài rất nhiều năm”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.