Doanh nghiệp cam kết cung ứng đủ
Khảo sát tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM cho thấy, nguồn cung cấp lợn hơi về chợ vẫn bình thường, nhưng giá thì tăng phi mã khiến các tiểu thương phải giảm lượng thịt lợn bán ra thị trường.
Làm việc với 2 chợ đầu mối nông sản lớn nhất thành phố là Bình Điền và Hóc Môn, Sở Công Thương TP.HCM nhận định, dù các chợ vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng hàng ngày, nhưng giá cả đã tăng cao đến mức khó kiểm soát.
Các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn. Ảnh: T.L
Theo dự báo của Bộ NNPTNT, những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 có thể thiếu hụt 200.000 tấn thịt lợn. Nguồn thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu từ 24 nước có quan hệ thương mại song phương với Việt Nam. |
Trước thực tế này, Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp tăng sản lượng thịt gia cầm các loại, trứng gia cầm, rau củ quả cho chương trình bình ổn thị trường, đồng thời có biện pháp sử dụng thịt lợn nhập khẩu hợp lý.
Giá thịt lợn tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, các quán ăn, chế biến thực phẩm cũng phải tăng giá để đảm bảo lợi nhuận. Nếu vào thời điểm đầu tháng 9, giá lợn hơi tại TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ ở mức 37.000 - 41.000 đồng/kg, thì sang tháng 10, mức giá đã đạt 55.000 - 57.000 đồng/kg, chạm mốc 71.000 - 72.000 đồng/kg vào tháng 11 và hiện tại đã vượt con số 80.000 đồng/kg.
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng, Sở Công Thương TP.Cần Thơ đang phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực có phương án chuẩn bị, khai thác nguồn hàng thực phẩm thịt lợn; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh để chủ động triển khai các phương án hỗ trợ, huy động doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kịp thời điều tiết thị trường nhằm bình ổn giá thịt lợn vào dịp cuối năm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ đảm bảo cung cấp ổn định lượng lợn hơi cho thị trường dịp cuối năm. Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương cho biết, công ty cam kết từ nay đến Tết Nguyên đán 2020 bảo đảm cung cấp ổn định nguồn thịt lợn cho thị trường Bình Dương.
Đại diện CP nhận định, nguồn cung lợn hơi sẽ không quá khan hiếm do các nông hộ hợp tác với CP vẫn làm tốt vấn đề an toàn sinh học, duy trì được đàn và kế hoạch tái đàn, tăng đàn vẫn đang được gấp rút triển khai thực hiện.
Ngoài CP, Vissan Bình Dương vẫn cung cấp ổn định từ 1.000 - 1.200 con lợn/ngày ra thị trường. Đặc biệt, công ty thực hiện giải pháp tăng trọng lượng lợn hơi xuất chuồng để bù đắp lượng đang thiếu hụt.
Cấp bách nhiệm vụ bình ổn thị trường thịt lợn
Hiện, bình ổn thị trường thịt lợn, đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường với giá hợp lý là nhiệm vụ được các địa phương ưu tiên hàng đầu. Tại Bình Dương, ngành chức năng đang tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, trang trại, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nghiêm túc thực hiện các giải pháp khống chế không để phát sinh và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện, đa số các công ty lớn trong ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực ổn định số lượng lợn cung cấp ra thị trường, cụ thể, mỗi ngày cung cấp khoảng 3.000 con.
Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương đề nghị các doanh nghiệp bảo vệ thị trường cùng với người tiêu dùng, không được tăng giá vô lối, không găm hàng làm giá; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn được chế biến từ thịt lợn đông lạnh.
Tại Đồng Nai, trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kêu gọi doanh nghiệp bắt tay ổn định giá thịt lợn; đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chưa có lợn bị dịch tả châu Phi xâm nhiễm tích cực tăng đàn, đồng thời hỗ trợ nguồn giống tốt nhất cho những trang trại, hộ chăn nuôi đủ điều kiện tái đàn.
Hiện, Đồng Nai đang cung cấp hơn 50% tổng lượng lợn cho thị trường lớn nhất nước là TP.HCM. Ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, các địa phương cần làm tốt công tác tái đàn, vì việc phục hồi đàn lợn sẽ giải quyết nhiều vấn đề như bình ổn giá thị trường, tạo việc làm cho hộ chăn nuôi...
Dự kiến, tỉnh Đồng Nai cũng chi khoảng 62 tỷ đồng để thực hiện bình ổn các mặt hàng thực phẩm tết, trong đó có thịt lợn. Danh mục hàng bình ổn sẽ ưu tiên những thực phẩm chính, có biến động mạnh về giá.
Trong khi đó, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Bộ NNPTNT báo cáo Chính phủ về khả năng thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình bình ổn hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12 đảm bảo cung cầu mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Thực hiện chỉ thị, Bộ Công Thương đã đề nghị các tập đoàn, tổng công ty sản xuất, phân phối chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để đủ phục vụ bà con trước, trong và sau tết.
Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi và căn cứ vào các doanh nghiệp để phân tích nhu cầu tiêu dùng tại địa bàn, từ đó có những giải pháp cân đối, chỉ đạo kịp thời về nguồn cung.