Mới có hơn 2.00ha ca cao
Được sự hỗ trợ của Văn phòng Phát triển bền vững - T.Ư Hội NDVN, Hội ND tỉnh Đăk Lăk đã lựa chọn 10 hộ hội viên nông dân tham gia triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng thâm canh cây ca cao tại xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk”.
Dự án hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn cho hội viên nông dân về quy trình trồng và chăm sóc cây ca cao ứng dụng chế phẩm vi sinh vật nhằm đạt được năng suất, chất lượng cao; đồng thời gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Người dân xã Ea Sar thu hoạch ca cao. Ảnh: D.H
"Người nông dân đã bỏ qua nhiều quy trình kỹ thuật trong trồng thâm canh và chăm sóc cây ca cao, khiến năng suất, chất lượng ca cao không cao, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của các hộ...”. Ông Nguyễn Văn Tư |
Ở Việt Nam, ca cao được du nhập vào rất sớm, cây được trồng rộng rãi ở nhiều nơi, trong đó vùng Tây Nguyên vẫn được đánh giá là có điều kiện lý tưởng nhất cho phát triển cây ca cao. Cây ca cao ra hoa và cho quả quanh năm, sản lượng bình quân đạt 3kg hạt khô trên một cây 5 năm tuổi/vụ.
Riêng tỉnh Đăk Lăk, đến nay chỉ mới có 2.078ha ca cao, trong đó 1.469ha đang cho thu hoạch, năng suất hạt khô bình quân đạt hơn 12,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.867 tấn hạt khô lên men.
Toàn tỉnh Đăk Lăk có 14/15 huyện, thị xã và TP.Buôn Ma Thuột trồng cây ca cao, tập trung nhiều ở các huyện Ea Kar, Krông Ana, Ea H’leo, Krông Păk. Đăk Lăk cũng là địa phương có diện tích cây ca cao nhiều nhất so với các tỉnh miền Trung Tây Nguyên. Theo đại diện Sở NNPTNT tỉnh, phần lớn diện tích ca cao trên địa bàn tỉnh trồng chủ yếu bằng các cây giống đã được Bộ NNPTNT công nhận.
Cơ hội cho nông dân
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, cây ca cao có điều kiện thuận lợi để phát triển, từ điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đến cây giống, kỹ thuật và chính sách quy hoạch. Tuy nhiên do định hướng phát triển cây ca cao không phù hợp, quỹ đất để phát triển ca cao tập trung không còn nhiều, chủ yếu là trồng xen quy mô nông hộ; thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể, nhất là vấn đề vốn đầu tư cho phát triển ca cao… nên chưa thu hút được nông dân gắn bó với loại cây này.
Thực tế, nhu cầu ca cao đang ngày càng tăng cao nhưng diện tích cây trồng còn hạn hẹp. Theo ước tính, thế giới sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn ca cao. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á sản xuất và xuất khẩu được hạt ca cao lên men chất lượng cao cho các nhà sản xuất socola, đây chính là cơ hội cho Việt Nam nói chung và cho người dân Đăk Lăk nói riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch Hội ND tỉnh Đăk Lăk, việc phát triển cây ca cao theo hình thức mới sẽ giúp tăng năng suất cây trồng hiệu quả. Tại Đăk Lăk, rất nhiều hộ trồng cây ca cao đã thành công với năng suất thu hoạch 2 - 3kg hạt khô/cây, tương đương 2 - 3 tấn/ha. Với quy mô lớn, năng suất có thể cao hơn nhờ áp dụng những công nghệ tiên tiến từ lựa chọn loại giống tối ưu nhất, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng thâm canh cây ca cao…
Tuy nhiên, theo ông Tư, để trồng thâm canh cây ca cao thành công là điều không hề đơn giản. Thực tế, phần lớn doanh nghiệp trồng thành công, còn nông dân trồng cây ca cao thì thất bại hoặc năng suất không cao... Vì thực tế này, Ban quản lý dự án Hội ND tỉnh Đăk Lăk đã đề xuất thực hiện dự án nói trên.
Bà Lê Thị Nga (thôn 9, xã Ea Sar) cho biết, thời gian qua, vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều hộ ở địa phương đã phá bỏ cây ca cao. Bà Nga cũng gặp không ít khó khăn trong phát triển loại cây này. "Hiện gia đình tôi đang được T.Ư Hội NDVN hỗ trợ để phát triển cây ca cao. Hy vọng với dự án này, gia đình có thể yên tâm phát triển cây ca cao, từng bước ổn định đời sống"- bà Nga nói.