Dân Việt

Chính quyền Donald Trump kết luận "sốc", tài sản ông Trần Đình Long, Lê Phước Vũ bốc hơi

Quốc Hải 18/12/2019 17:13 GMT+7
Chính quyền Donald Trump vừa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam, có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc. Sau thông tin này, cổ phiếu ngành thép đỏ sàn liên tiếp, khiến tài sản ông Trần Đình Long, Lê Phước Vũ bốc hơi.

Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long tiếp tục giảm phiên thứ 6 liên tiếp, mất thêm 2,6% còn 22.550 đồng/cổ phiếu.

img

Thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc sẽ bị áp thuế tới 456% (Ảnh: IT)

Tương tự, cổ phiếu HSG của ông Lê Phước Vũ cũng giảm nhẹ 0,2%, về mức 8.070 đồng/cổ phiếu - đây cũng là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu HSG; NKG của Thép Nam Kim cũng giảm 3 phiên liên tiếp, hiện ở mức giá 6.720 đồng/cổ phiếu.

Tin “sốc” từ Mỹ

Cụ thể: Hôm 16/12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam, có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, các mặt hàng thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Hoa Kỳ và do đó bị coi là lẩn tránh thuế.

Nếu lô hàng thép CRS và CORE xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng sẽ bị áp mức thuế lên đến 456% (tương đương mức thuế Hoa Kỳ đang áp dụng với thép Trung Quốc). Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước/vùng lãnh thổ ngoài 3 nguồn Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan thì sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (tức là không phải nộp thuế).

Phản ứng trước thông tin này, hàng loạt cổ phiếu ngành thép trong vài phiên gần đây đều giảm mạnh, kể cả 2 “ông lớn” ngành thép là HPG và HSG.

img

Cổ phiếu các DN ngành thép trong phiên giao dịch ngày 18/12

Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI, thông tin Mỹ áp mức thuế lên đến 456% chỉ là một nguyên nhân. Nguyên nhân khiến cổ phiếu ngành thép trong thời gian gần đây ảm đạm, là vì kết quả kinh doanh trong quý 3/2019 của nhiều doanh nghiệp ngành thép khá bết bát. Dù vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu sửa chữa nhà tăng cao. Có thể kể đến như: Hoa Sen kết thúc niên độ tài chính 2018-2019 với lợi nhuận ròng giảm 12%; Thép Việt - Ý lỗ quý thứ sáu liên tiếp; Thép Pomina báo lỗ gần 120 tỷ đồng trong quý III; Thép Nam Kim cũng giảm lãi chỉ bằng một phần ba cùng kỳ. Riêng "ông lớn" Hòa Phát, kết thúc quý 3/2019, Hòa Phát thu gần 15.100 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 2.160 tỷ đồng, giảm 24%.  

Ngoài ra, một nguyên nhân không thể không nhắc đến là sự chững lại của thị trường xây dựng, đặc biệt là các dự án lớn chậm triển khai. Sức ép cạnh tranh giữa các nhà sản xuất cũng được đẩy lên cao, do nguồn cung liên tục tăng, song nhu cầu từ thị trường lại không tăng tương xứng.

“Thông tin Mỹ áp mức thuế cao có thể sẽ là mối de đoạ đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ. Song, với những doanh nghiệp tự chủ được nguồn nguyên liệu thì đây lại là tin tích cực”, đại diện SSI nêu quan điểm.

“Vua thép” cũng lao đao

Trong bối cảnh không mấy tích cực của thị trường, cổ phiếu Hòa Phát của “vua thép” Trần Đình Long cũng không kém phần lao đao, khi có nhiều thách thức đang bủa vây doanh nghiệp đang giữ thị phần cao nhất trong ngành thép xây dựng tại Việt Nam.

Theo SSI, HPG của ông Trần Đình Long là cổ phiếu được các quỹ ngoại nắm giữ nhiều nhất với hơn 139 triệu đơn vị, trị giá hơn 3.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, cổ phiếu này lại mất giá 3% trong khi VN-Index tăng gần 7%.

Cụ thể, sau khi giảm gần 12% vào cuối tháng 1, HPG bật tăng trở lại hơn gần 30%, lên mức đỉnh trong năm tại vùng giá trên 27.000 đồng/CP (giá sau điều chỉnh). Tuy nhiên, sau khi công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận giảm sâu, HPG quay lại xu hướng giảm. Hiện tại, cổ phiếu HPG giao dịch quanh ngưỡng 23.000/CP, giảm khoảng 3%.

Theo số liệu thống kê của Mỹ, trong 10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu thép CORE và CRS của Việt Nam sang nước này đạt hơn 260 triệu USD. Trong khi đó, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường Mỹ hiện chiếm 6,5% trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam; và ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam, chiếm tới 65%.

Nhìn vào chiến lược của “vua thép” Trần Đình Long, có thể thấy, HPG đang chọn hướng đi bằng cách đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần. Cụ thể, theo phân tích từ SSI, từ đầu năm đến nay, giá thép của Hòa Phát đã giảm 10,8%, nhanh hơn các công ty cùng ngành khác. Bằng chiến lược giá, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát đã tăng 15% trong 11 tháng, bất chấp đà giảm của thị trường chung. Thị phần thép xây dựng của HPG vì thế cũng nhích nhẹ từ 24% lên 25% vào cuối quý 3/2019.

Tuy nhiên, hệ quả là các chỉ số đánh giá hiệu suất sinh lời đều giảm. Trong quý 3/2019, biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát giảm xuống dưới 18%, so với mức 23% cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tỷ lệ này cũng chỉ ghi nhận hơn 18,3%, so với mức xấp xỉ 22% của năm trước. Do đó, nếu tiếp tục chọn cạnh tranh bằng giá để giành thị phần, lợi nhuận của Hòa Phát trong quý 4/2019 này có thể sẽ tiếp tục ăn mòn.

Về “sức khỏe” tài chính, có thể thấy áp lực từ sự thay đổi cấu trúc nguồn vốn khi công ty gia tăng vay nợ để đầu tư vào Dung Quất đang ngày lộ rõ và tác động lớn hơn. Hiện tổng quy mô nợ phải trả tới thời điểm này đạt gần 51.400 tỷ đồng. Mặc dù, trong cơ cấu nợ phải trả chiếm 53% tổng nguồn vốn của Hòa Phát vẫn thấp hơn nhiều doanh nghiệp trong ngành và nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, dư nợ tăng cao khiến chi phí lãi vay cũng tăng tương ứng, cũng tạo áp lực không nhỏ lên lợi nhuận.

Ngoài ra, chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm nay của HPG cũng ghi nhận gần 666 tỷ đồng, cao hơn 23% so với cả năm 2018 và gấp gần ba lần trước khi đầu tư vào Dung Quất.