Dân Việt

Mỹ kích nổ 23 quả bom hạt nhân dằn mặt Liên Xô thế nào?

Minh Nhật (theo Express) 18/12/2019 19:00 GMT+7
Chiến tranh Lạnh đã dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm giữa Mỹ và Liên Xô, khi Washington đưa chương trình hạt nhân của nước này lên mức cao chưa từng thấy và kích nổ 23 quả bom hạt nhân từ năm 1946 đến năm 1958.

img

Một vụ nổ bom hạt nhân trên đảo san hô Bikini năm 1954 

Mỹ đã chạy đua vũ trang hạt nhân với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh để chế tạo những loại bom tiên tiến hơn từ năm 1947 cho đến năm 1991. Một phần trong chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân, Mỹ đã mang bom hạt nhân đến Đảo san hô Bikini, nằm ở Quần đảo Marshall thuộc Thái Bình Dương để kích nổ.

Một loạt các vụ thử nghiệm đầu tiên diễn ra năm 1946 tại khu vực Đảo san hô Bikini với tên mật mã là "Operation Crossroads" (Chiến dịch Ngã tư), và quả bom đầu tiên được thả từ độ cao 158m, phát nổ trên mục tiêu của nó. 

img

Mỹ bắt đầu kích nổ bom nguyên tử tại Đảo san hô Bikini năm 1946

Quả bom thứ hai, có tên mật mã là "Baker" (Thợ làm bánh mỳ) đã tạo thành một đám mây khổng lồ khi nó tấn công các tàu mục tiêu của nó. Vụ thử được Mỹ tiến hành ở độ sâu 5,27 m. Mục đích cuộc thử nghiệm là nghiên cứu mức độ tác động và ảnh hưởng của vũ khí hạt nhân tới các tàu chiến của Hải quân Mỹ.

Vụ nổ Baker có sức công phá khủng khiếp khi tạo ra "vết nứt" trắng xóa trên mặt biển dưới những con tàu, làm bật tung hai triệu tấn nước và cát lên không trung, tạo ra cột nước cao gần 1.830 m, rộng hơn 600 m và dày tới 91 m.

Tám năm sau, vào năm 1954, quân đội Mỹ tiếp tục nối dài danh sách các vụ thử hạt nhân. 

img

 Một quả bom nguyên tử đang phát nổ dưới nước tại đảo san hô Bikini ở Thái Bình Dương

Có tên mã là  "Operation Castle' (Chiến dịch lâu đài), các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở giai đoạn này còn khủng khiếp hơn các vụ nổ trước đó. Vụ nổ "Castle Bravo" là nhằm thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch ngày 1/3/1954.

Vụ nổ được đo ở mức 15 megatons và mạnh gấp 1.000 lần so với vụ nổ ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945 mà cuối cùng dẫn đến sự đầu hàng của phát xít Nhật hồi Thế chiến 2.

Các cuộc thử nghiệm đã khiến một khu vực rộng lớn trên Đảo san hô Bikini trở thành "miền đất chết", không thể ở được trong nhiều thập kỷ khi bức xạ từ các vụ nổ nhấn chìm rạn san hô ở cách xa đó.

img

Những vụ nổ hạt nhân của Mỹ đã khiến một khu vực rộng lớn trên đảo san hô Bikini trở thành "vùng đất chết".

Đất và nước cũng bị ô nhiễm nặng nề và việc đánh bắt cũng như nuôi trồng trở nên bất khả thi.

Mỹ đã phải đền bù cho người dân trên đảo để giúp họ ổn định lại cuộc sống.

Nhưng cư dân trên Quần đảo Marshall đã tiếp xúc với bức xạ khủng khiếp từ các vụ thử hạt nhân, với nhiều nghiên cứu  cho thấy sự gia tăng bệnh tật bao gồm ung thư có liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ.

Một cuộc điều tra năm 2016 cho thấy mức độ phóng xạ trên đảo san hô Bikini cao hơn tiêu chuẩn an toàn cho con người để cư trú.