Sự việc Công ty CP Đầu tư phát triển và XD Thành Đô (Tập đoàn Empire), Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng, không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng là sự việc gây tranh cãi trong thời gian vừa qua.
Ngay sau đó, nhiều khách hàng bỏ tiền đầu tư ở dự án Cocobay Đà Nẵng "điếng" người khi bất ngờ nhận được thông báo chấm dứt trả cam kết lợi nhuận theo hợp đồng đã ký kết với khách từ ngày 1/1/2020.
Tại buổi tọa đàm "Kinh tế 2020: Triển vọng từ cộng đồng ASEAN” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Tại thời điểm này, tôi chưa có dấu hiệu khủng hoảng nhưng lại có dấu hiệu cung vượt cầu tại nhiều phân khúc”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
“Đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó trường hợp của Cocobay không phải trường hợp riêng lẻ đâu mà tôi cho rằng, một số nhà đầu tư sơ cấp đang khó khăn trong việc trả lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng đơn phương hủy cam kết 12% là điều không hợp lý và không hợp pháp, không có sự đồng thuận của khách hàng. Đây là vi phạm hợp đồng giữa người mua và người bán bất động sản trước đây.
“Tuy nhiên, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chỉ là phân khúc nhỏ trong cả thị trường. Thị trường bất động sản hiện tại với những điều kiện chính sách về mặt tổ chức tín dụng làm cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn. Từ đó, lượng tiền đến tay người tiêu dùng và người dân mua bất động sản hạn chế đi rất nhiều”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Đánh giá về rủi ro khi kinh doanh bất động sản trong năm 2020, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Hiện tại chưa có dấu hiệu khủng hoảng, nhưng đi vào năm 2020 có một dự báo thị trường bất động sản sẽ có khó khăn. Tuy nhiên, không xảy ra vỡ bong bóng bất động sản các nhà đầu tư kinh doanh rất cẩn thận trong lúc này và nhân hàng ngân hàng cũng rất cân nhắc trong vấn đề cho vay. Trước những khuyến cáo của ngân hàng các nhà đầu tư không cẩn thận thì sẽ khiến bất động sản tiếp tục giảm và gặo khó khăn đầu tiên”.
Liên quan đến thỏa thuận chi phí chuyên đổi căn hộ khách sạn thành căn hộ chung cư, thu nhập cam kết và xử lý hợp đồng đã ký tại dự án, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, đây là thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng. Vì vậy, đề nghị hai bên căn cứ hợp đồng/thỏa thuận đã ký để xử lý các vấn đề có liên quan. Trường hợp có tranh chấp, đề nghị liên hệ Tòa án có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư về hành vi thu tiền của bên mua bất động sản hình thành trong tương lai vượt tỉ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định, bán nhà ở thương mại hình thành trong tương lai mà chưa được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính theo quy định, bàn giao, đưa công trình vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định với tổng số tiền phạt 160 triệu đồng. |