OCOP mang nhiều lợi thế
Phóng viên đến thăm trang trại trồng phúc bồn tử của Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân (thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh). Theo đánh giá của địa phương, các sản phẩm như quả phúc bồn tử tươi, rượu, nước cốt, trà, mứt từ quả phúc bồn tử của công ty này có nhiều tiềm năng phát triển trên địa bàn huyện.
Ông Huỳnh Trung Quân (44 tuổi) - Giám đốc Công ty cho biết: “Khi địa phương triển khai Chương trình OCOP thì tôi cũng đã tìm hiểu, thấy được những lợi ích của OCOP mang lại như các doanh nghiệp, người dân có cơ hội để quảng bá được các sản phẩm mà mình làm ra, từ đó người tiêu dùng sẽ biết đến và nâng cao được giá trị của sản phẩm. Chính vì vậy, tôi cũng đã đăng kí tham gia và đang hoàn thiện hồ sơ tại địa phương”.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham quan mô hình trồng và chế biến phúc bồn tử của ông Huỳnh Trung Quân. Ảnh: P.L
Ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, đầu tháng 12 huyện đã thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP. Tiếp theo, địa phương sẽ hướng dẫn các chủ thể tham gia hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP cấp huyện... |
Ông Huỳnh Trung Quân đang trồng 2ha phúc bồn tử đỏ và đen. Ngoài ra, ông cũng liên kết với một số hộ dân tại địa phương trồng, bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi năm, công ty của ông Quân thu hoạch được từ 50 - 60 tấn quả.
Tuy nhiên, chỉ 50% lượng quả phúc bồn tử đạt chuẩn được bán ra thị trường, cung cấp cho các siêu thị, khách sạn, nhà hàng cao cấp với giá từ 300.000 đồng/kg. Số còn lại sẽ được ông Quân cấp đông để chế biến các sản phẩm như rượu, nước cốt, trà, mứt phúc bồn tử.
Ông Quân cho biết, mình đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc loại cây có giá trị dinh dưỡng và kinh tế này từ năm 2009. Hiện nay, ngoài việc trồng và kinh doanh các sản phẩm từ quả phúc bồn tử, ông Quân còn thực hiện nuôi cấy mô để chủ động về nguồn giống phục vụ trang trại của ông và chuyển giao cho người dân địa phương.
11 sản phẩm tiêu biểu
Ông Dương Kim Mãn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đức Trọng cho biết, hiện nay địa phương đã xác định 11 sản phẩm tiêu biểu dự kiến đạt tiêu chí sản phẩm OCOP như khoai lang mật ong, chuối la ba sấy thăng hoa, các sản phẩm từ phúc bồn tử, rượu nếp hương hạ thổ, nước ép chanh dây tách hạt, hoa lan vũ nữ...
Phòng đã sử dụng nguồn kinh phí được cấp trên phân bổ hơn 580 triệu đồng trong năm 2019 để triển khai chương trình và thời gian sắp tới sẽ đầu tư nâng cấp một số sản phẩm tiêu biểu cấp huyện như rau, củ, quả sấy khô, rượu linh chi GACO…
Ông Mãn cho biết thêm: “Khi thực hiện chương trình, chúng tôi đã xác định được địa phương có nhiều điểm mạnh như các cấp, các ngành quan tâm đến việc hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm thế mạnh của địa phương thông qua việc tổ chức các hội chợ nông sản, hỗ trợ kinh phí để phát triển các làng nghề, hỗ trợ xây dựng thương hiệu rau, hoa...”.
Cũng theo ông Mãn, Đức Trọng là vùng có đất đai giàu dinh dưỡng, thuận lợi cho việc canh tác rau, hoa và hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Hơn nữa, tại địa phương đã có các nhà máy chế biến, bảo quản sản phẩm ngày càng phát triển góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đó là những tiền đề để việc triển khai chương trình sẽ có những thuận lợi nhất định.