Nhiều công trình thủy lợi được hình thành
Theo sự hướng dẫn của cán bộ UBND thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), phóng viên đã đến công trình kè chống xói lở bờ sông Tiền tại khu vực thị trấn này để tìm hiểu. Tại đây, phóng viên ghi nhận, công trình kè được đầu tư lớn, thân kè làm bằng bêtông cao khoảng 2m, có kết hợp đường giao thông bảo vệ, có trồng cây xanh, bồn hoa trang trí, hệ thống đèn chiếu sáng…
Nhiều người dân cho hay, trước khi công trình kè này xây dựng, nơi đây là một trong hàng loạt “điểm nóng” sạt lở nằm ven sông Tiền. Do sạt lở liên tục xảy ra nên cuộc sống người dân ngày càng khó khăn do mất đất, sản xuất hoa màu liên tục bị thất thu. Nhờ công trình trên được triển khai xây dựng, người dân nơi đây đã có thể yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Lê Văn Hưng (ngụ thị trấn Thường Thới Tiền) nói: “Trước đây, khu vực này sạt lở liên tục vào mùa nước nổi, diện tích đất nông nghiệp thường xuyên bị cuốn theo dòng nước. Từ khi có dự án này, chúng tôi đã yên tâm hơn trong sản xuất”.
Người dân đi lại trên công trình kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị trấn Thường Thới Tiền. (ảnh: Huỳnh Xây)
“Không những diện tích đất không bị mất như trước đây mà việc đi lại cũng rất thuận tiện bởi bờ kè có kết hợp làm đường giao thông rất rộng và có cả hệ thống chiếu sáng, có cả phà đưa rước khách qua địa phận An Giang” - ông Hưng nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Khởi - người dân trồng bí cạnh công trình kè chống xói lở ở thị trấn Thường Thới Tiền cho hay: “Chúng tôi rất yên tâm sản xuất bên trong bờ kè vì nó được xây dựng rất cao. Khi thu hoạch cũng dễ vận chuyển do con đường rộng”.
Do có bờ kè kiên cố nên bên ngoài sông, nhiều phương tiện ghe thường xuyên neo đậu, bên trong bờ kè, một số hộ dân đã xây dựng nhà ở. Cuộc sống theo đó trở nên nhộn nhịp hẳn lên và dần đổi thay theo hướng tích cực. Nhiều người dân còn đánh giá, công trình kè có thiết kế đẹp, chất lượng, đồng thời hy vọng ngành chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, duy tu bờ kè, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ tạo vẻ mỹ quan cho thị trấn Thường Thới Tiền trong tương lai.
Chú trọng chống biến đổi khí hậu cho ĐBSCL
Dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mekong mở rộng (ADB-GMS1) có tổng mức đầu tư là 64,359 triệu USD. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 45 triệu USD và từ các nguồn vốn khác. Bên cạnh các giải pháp công trình, các giải pháp phi công trình để giảm thiểu rủi ro thiên tai được nhà tài trợ hết sức quan tâm và là điểm nhấn của dự án. |
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chia sẻ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng cũng là vùng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt liên quan đến việc khai thác và quản lý nguồn nước của sông Mekong...
“Tháng 11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đưa ra quan điểm chỉ đạo và định hướng chiến lược: Chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người, trong đó, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi. Chú trọng việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra” - ông Sơn cho biết.
Triển khai thực hiện Nghị quyết thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành NNPTNT chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt, đó là: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL.
Đồng thời, phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.
Mục tiêu đến năm 2020, ĐBSCL sẽ thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước, sinh kế của người dân được đảm bảo; mạng lưới kết nối hạ tầng, kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn hiện đại.