Triển khai Luật Lâm nghiệp, đến thời điểm hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp đã trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 12 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Lâm nghiệp (4 Nghị định, 8 Thông tư). Trong đó, năm 2018 đã ban hành 1 Nghị định của Chính phủ, 7 Thông tư; Trong năm 2019 ban hành 3 Nghị định của Chính phủ, 1 Thông tư.
Hiện nay đang hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (dự kiến trình Chính phủ xem xét ban hành tháng 12/2019). Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp đã trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế những quy định hiện hành không còn phù hợp và văn bản để triển khai thực hiện biện pháp lý trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Rừng được quản lý chặt chẽ trên các phương diện. Ảnh: K. Lực
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết Luật được ban hành đã điều chỉnh toàn bộ hoạt động trong lâm nghiệp. Sau gần một năm có hiệu lực thi hành, các quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết được thực thi trên các lĩnh vực về quản lý 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), dịch vụ môi trường rừng; quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài thuộc Phụ lục Công ước CITES; quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; theo dõi diễn biến rừng… được thiết lập, triển khai phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội hiện nay. Rừng được quản lý chặt chẽ trên các phương diện, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được quản lý tốt, nhất là chuyển mục đích rừng tự nhiên; hoạt động chế biến lâm sản từng bước khảng định vị thế.
Các quy định về thủ tục hành chính trong lâm nghiệp đã được rà soát, xây dựng theo hướng đơn giản hóa về thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ, bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp. Theo đó, lĩnh vực lâm nghiệp hiện nay có 37 thủ tục hành chính, gồm 18 thủ tục hành chính cấp trung ương, 16 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 3 thủ tục hành chính cấp huyện. Như vậy, lĩnh vực lâm nghiệp đã giảm 77 thủ tục hành chính so với năm 2018 (từ 114 xuống còn 37 thủ tục hành chính).
Trong năm 2019, Tổng cục Lâm nghiệp đã tập trung phổ biến, quán triệt giới thiệu những điểm mới và nội dung cơ bản của Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ rừng và các đối tượng chịu tác động khác.
Tổng cục Lâm nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến bằng văn bản, qua Chuyên mục Hỏi - đáp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục và một số hình thức khác về những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết Luật. Tổng cục đã nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật này.
Để Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được triển khai, áp dung có hiệu quả trong thực tiễn, trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp nghiên cứu, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để tháo gỡ các vấn đề này.
Các địa phương cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai áp dụng các văn bản pháp luật về lâm nghiệp đến các đối tượng liên quan trên địa bàn; xây dựng “Khung giá rừng trên địa bàn” theo quy định tại Điều 90 của Luật Lâm nghiệp; thực hiện rà soát, công bố văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về lâm nghiệp đến nay không còn phù hợp; thực hiện các quy định chuyển tiếp của Luật Lâm nghiệp có báo cáo Bộ NN&PTNT đúng quy định.
Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, tăng 04 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản; thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng. Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất, có liên quan đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của Luật. Về đổi mới tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp. Luật đã quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm. Trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này, tạo sự linh hoạt và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động lâm nghiệp. Đối với Kiểm lâm, bổ sung quy định cụ thể hơn trong Luật một số cơ chế, chính sách, thẩm quyền để bảo đảm hành lang pháp lý cần thiết cho lực lượng Kiểm lâm tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng hiệu quả hơn. |