Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cho tới nay, chuyện quốc hội tiến hành phế truất tổng thống trên thực tế đã 3 lần thấy có ở nước Mỹ nhưng mới chỉ có hai lần chính thức thực hiện như đối với ông Trump bây giờ. Năm 1974, tổng thống Mỹ khi ấy là Richard Nixon đã từ chức trước khi hạ viện Mỹ quyết định chính thức tiến hành luận tội phế truất tổng thống. Ông Nixon buộc phải hành động như vậy vì ý thức được là nếu không chủ động từ chức sớm thì chắc chắn cũng bị quốc hội phế truất. Hai lần chính thức kia xảy ra năm 1868 với ông Andrew Johnson và năm 1998 với ông Bill Clinton. Cả hai vị này đều không bị quốc hội phế truất do trong thượng viện không có đủ đa số cần thiết (ít nhất hai phần ba trong tổng số 100 thành viên của thượng viện) biểu quyết thuận cho việc phế truất tổng thống.
Ông Trump hiện tại không phải lo ngại về nguy cơ bị phế truất vì phe Đảng Dân chủ chỉ là phe thiểu số ở thượng viện và chừng nào không bị Đảng Cộng hoà buông bỏ như ông Nixon năm 1974 thì chừng ấy phe Đảng Dân chủ không thể có nổi đa số cần thiết trong thượng viện để phế truất tổng thống. Nhiều dự báo ở Mỹ thậm chí còn cho rằng sau cuộc luận tội phế truất này, mức độ được tín nhiệm của ông Trump trong dân Mỹ còn tăng lên như đã từng thấy ở trường hợp ông Clinton. Điều khác biệt cơ bản là ông Johnson khi trước sau đó không được đảng của mình đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng cho một nhiệm kỳ nữa còn ông Clinton thì ở cuối nhiệm kỳ cầm quyền cuối cùng của mình trong khi ông Trump hiện tại phải vận động tranh cử để được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm tới ở Mỹ. Rủi ro chính trị vì thế không thể nói là không có đối với ông Trump và cái ô danh với chuyện này thì ông Trump sẽ không bao giờ gột bỏ được cho dù không bị phế truất
Cho nên có thể nói là nước Mỹ hiện tại vừa chứng kiến sự lặp lại của lịch sử lại vừa thấy lịch sử không lặp lại. Lịch sử lặp lại khi ông Trump là tổng thống Mỹ thứ ba bị quốc hội chính thức luận tội phế truất. Lịch sử lặp lại khi chẳng có tổng thống đương nhiệm nào bị phế truất. Lịch sử không lặp lại khi ông Trump chẳng tự nguyện từ chức.
Ông Trump bị hạ viện cáo buộc tội lạm dụng chức quyền và cản trở công chuyện điều tra của quốc hội. Bằng chứng xác thực không thiếu và chứng cứ rõ ràng cũng nhiều đủ để quốc hội có thể tiến hành luận tội phế truất tổng thống và để chứng tỏ rằng việc phế truất ông Trump là cần thiết và đúng đắn về đạo lý cũng như pháp lý. Nhưng ông Trump sẽ không bị hề hấn gì trên phương diện cầm quyền bởi ba nguyên do chính.
Thứ nhất, chuyện luận tội phế truất tổng thống đương nhiệm ở nước Mỹ là chuyện chính trị trước hết và chủ yếu, chính trị quyết định chứ không phải pháp lý hay đạo lý. Đảng Cộng hoà không chịu để thua Đảng Dân chủ về chính trị trong chuyện này và dân Mỹ muốn phán quyết số phận chính trị của ông Trump bằng lá phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống tới chứ không phải bằng đa số trong một số lượng hạn chế dân biểu trong quốc hội.
Thứ hai, Đảng Cộng hoà hiện trong tình trạng bị ông Trump kiểm soát, kiềm chế và khống chế đến mức có thể nói tương lai chính trị, trước mắt trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm tới, phụ thuộc vào số phận và tương lai chính trị của ông Trump. Vì thế, phe này phải hậu thuẫn và cứu ông Trump bằng mọi giá.
Thứ ba, chính trường và nội bộ xã hội Mỹ bị phân hoá hiện đã đến mức quá trầm trọng mà chuyện quốc hội luận tội và phế truất tổng thống này không làm thay đổi cơ bản thực trạng ấy. Năm 2016, ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ nhờ sự phân rẽ này. Bây giờ, ông Trump thoát hiểm hoạ cũng nhờ đấy. Tới đây, ông Trump tái đắc cử tổng thống thì cũng chủ yếu bởi đó.
Phe Đảng Dân chủ biết là vô vọng nhưng vẫn kiên định việc phế truất ông Trump bởi muốn vớt vát và gỡ gạc như có thể được và bởi nhằm vào bộ phận cử tri hiện vẫn trung dung ở Mỹ. Tuy nhiên, việc này càng kéo dài, tức là càng sát ngày bầu cử ở Mỹ mới đi tới quyết định đã được biết trước kia thì sẽ chỉ càng thêm bất lợi cho phe Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tới.