Trao đổi với PV, bà Cao Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên cho biết: Xác định công tác đào tạo nghề cho nông dân là một khâu then chốt để thúc đẩy phát triển sản xuất, 6 năm qua (giai đoạn 2013 - 2019), Hội ND tỉnh đã hướng dẫn các cấp Hội thực hiện và tổ chức phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong hệ thống hội; đặc biệt là đã quan tâm đào tạo nghề cho nông dân trên địa bàn.
Với mục đích tạo điều kiện cho bà con nắm được kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất. Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên nông dân trong tỉnh.
Sau học nghề, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Điện Biên đã phát triển mô hình nuôi bò hiệu quả. Ảnh: Tuấn Anh
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Điện Biên cho biết: “Hiện nay, ở một số địa phương trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn hạn chế; địa bàn các xã phần lớn cách xa trung tâm huyện, tỉnh nên rất khó tập trung nông dân để học nghề. Trong khi các đối tượng trên 60 tuổi và dưới tuổi lao động không có kinh phí hỗ trợ học nghề nên càng khó thu hút học viên đến học… Mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy nhưng trung tâm đã rất nỗ lực để tổ chức các lớp đào tạo nghề, giúp bà con có cơ hội để nâng cao thu nhập” - ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, đơn vị cũng yêu cầu giảng viên chuẩn bị tài liệu phục vụ giảng dạy sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng dạy song hành giữa lý thuyết với thực hành “cầm tay chỉ việc” trên mô hình, cây trồng, vật nuôi.
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Điện Biên có gần 80.000 hội viên nông dân. Riêng trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, Hội ND tỉnh đã tiến hành đào tạo nghề cho gần 13.000 hội viên. Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã dạy nghề cho gần 800 hội viên; các cấp hội phối hợp với các ngành tổ chức dạy nghề cho hơn 12.000 hội viên.
Song song với công tác tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, Hội ND Điện Biên còn gắn dạy nghề với việc phối hợp các hoạt động dịch vụ nhằm hỗ trợ nông dân sau khi học nghề như: chuyển giao KHKT; cung ứng vật tư, máy móc nông nghiệp trả chậm theo chính sách trợ cước của tỉnh; tín chấp vay vốn hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi...