Dân Việt

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đóng cửa Adayroi và cuộc "đốt tiền" của "ông lớn" TMĐT

P.V 22/12/2019 08:15 GMT+7
Việc Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thông báo đóng cửa Adayroi, sáp nhập vào VinID và dừng cuộc chơi trong lĩnh vực thương mại điện tử được chuyên gia đánh giá là quyết định đúng đắn. Thực tế, nhiều ông lớn Lazada, Tiki đã đầu tư hàng nghìn tỷ nhưng đến nay khoản lỗ của 2 ông lớn này lên tới 9.400 tỷ đồng. Để chiếm được 1% thị phần từ đối thủ, ước tính doanh nghiệp phải lỗ khoảng 142 tỷ.

img

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.

Adayroi đã “hụt hơi” trước Shopee, Lazada?

Ngày 18/12/2019, tập đoàn Vingroup dưới sự điều hành của ông Phạm Nhật Vượng thông báo sáp nhập Adayroi vào VinID sau khi gửi văn bản đến các nhà cung cấp đang kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Adayroi về việc dừng bán hàng trên nền tảng này từ 17/12. Đồng thời, ghi nhận sàn thương mại điện tử thứ 2 trong năm 2019 dừng cuộc chơi tại Việt Nam sau Robins của Central Group.

Cũng ở khoảng thời gian này cách đây 1 năm, Vuivui.com – một sàn thương mại điện tử từng được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, đặt kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 4 - 5 năm tham gia thị trường, cũng đã lặng lẽ đóng cửa. Trước đó, Vuivui.com chỉ đóng góp 75 tỷ đồng vào tổng doanh thu năm 2017 của Thế Giới Di Động, một con số rất nhỏ bé so tổng thể toàn doanh nghiệp.

Còn mục tiêu đưa Thế giới Di động Tài trở thành tập đoàn bán lẻ đa ngành hàng hùng mạnh nhất, có vị thế số 1 trong lĩnh vực thương mại điện tử, mở rộng kinh doanh thành công ở Lào, Campuchia, Myanmar không còn được ông Nguyễn Đức Tài và các cộng sự nhắc tới.

img

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động.

Như vậy, từ sau sự kiện sàn thương mại điện tử Beyeu chính thức đóng cửa vào năm 2015, “Nghĩa trang thương mại điện tử” đã đón thêm nhiều cái tên khác như 123mua.vn, Deca.vn, Lingo, Robins.vn, vuivui.com…

Còn câu chuyện Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng rời bỏ sân chơi thương mại điện tử, dù khá đường đột nhưng không bất ngờ. Bởi trong khi các đối thủ liên tục được rót vốn hàng chục triệu USD, mở rộng kinh doanh thì những thông tin về hoạt động đầu tư của Adayroi khá ít ỏi. Hơn nữa, trong bối cảnh Vingroup đang tập trung cho lĩnh vực công nghệ, thì việc dừng sân chơi "đốt tiền" mà vẫn lỗ cùng với các ông lớn thương mại điện tử khác được cho là quyết định "cắt lỗ" hợp lý. 

Theo những thông tin được công bố, sau khi mua lại Lazada, Alibaba đã đầu tư vào sàn thương mại điện tử này số tiền khoảng 4 tỷ USD. Còn Tiki liên tiếp trong hai năm 2016 và 2017 nhận được số tiền đầu từ của JD.com lần lượt là 17 triệu USD và 44 triệu USD. Trong khi đó, Sendo năm 2018 đã nhận 51 triệu USD từ các nhà đầu tư...

img

Adayroi bị Shopee, Tiki, Lazada bỏ xa.

Còn theo quan sát của PV, trên bản đồ thương mại điện tử Việt Nam do iPrice công bố, lượt truy cập website trung bình mỗi tháng của Adayroi trong quý III/2019 chỉ là 6,4 triệu. Trong khi đó lượng truy cập website của Shopee, Lazada, Tiki, Sendo mỗi tháng luôn duy trì ổn định từ 20-40 triệu lượt/tháng trong hơn 1 năm qua.

Làm một phép so sánh nhỏ, lượng truy cập trung bình hàng tháng của Adayroi chỉ bằng khoảng 1/4 - 1/5 so với 4 đối thủ lớn nhất trong ngành thương mại điện tử.

Trên nền tảng di động, ứng dụng của Adayroi thậm chí xếp sau AliExpress về số lượng người sử dụng trong nhóm các ứng dụng thương mại điện tử được sử dụng nhiều nhất. Còn ở bảng xếp hạng ứng dụng có lượt tải xuống nhiều nhất, Adayroi đã giảm 3 bậc so với quý II/219, xếp sau cả Thế Giới Di Động.

Cuộc đua xuống đáy của bộ tứ Lazada – Tiki – Shopee?

Dù ghi nhận Việt Nam là thị trường thương mại điện tử Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn 2015-2018. Song theo Công ty Chứng khoán VNDirect, do ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn rất non trẻ nên doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều chi phí cho quảng cáo, hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực nhằm định vị tên tuổi của mình.

Những yêu cầu đó đẫ dẫn tới cuộc đua "đốt tiền" giữa các sàn thương mại điện tử lớn khi tổng lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015 - 2018 là 9.400 tỷ đồng.

Khoản đầu tư ban đầu lớn, đối thủ cạnh tranh nhiều khiến rào cảnh gia nhập thị trường gia tăng theo thời gian. Các doanh nghiệp đôi khi phải chấp nhận thua lỗ để có thị phần và khách hàng. Theo ước tính, một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.

img

Khoản thua lỗ của Tiki, Lazada, Shopee giai đoạn 2015 - 2018.

Nhắc tới Công ty CP Tiki, không ít nhà đầu tư vẫn còn nhớ khoản đầu tư của VNG vào doanh nghiệp này. Được thành lập năm 2010, Tiki bắt đầu bằng hoạt động bán sách trực tuyến.

Sau đó, trang thương mại điện tử này mở rộng hoạt động kinh doanh các hàng hóa, sản phẩm khác nhau, từ đồ dân dụng, thời trang, đồ công nghệ, cho tới sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp...

Tiki bắt đầu vòng gọi vốn đầu tiên năm 2012 từ quỹ đầu tư mạo hiểm Cyberagent, trước khi chốt khoản đầu tư vòng Series B với tập đoàn Sumimoto. Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD, tương ứng số tiền khoảng 384 tỷ đồng từ VNG để đổi lấy 38% cổ phần.

Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh liên tục của lĩnh vực thương mại điện tử, khi các đối thủ khác như Lazada, Shopee liên tục "đốt tiền" để giành thị phần, Tiki liên tục phải huy động thêm vốn để hoạt động. VNG, dù là cổ đông lớn nhất, nhưng chỉ tham gia một lần sau đó trong đợt chào bán riêng lẻ đầu năm 2018, rót thêm 120 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki giảm xuống còn 24,6%, so với mức 38% lần đầu rót vốn.

Và sau 7 năm đầu tư, dường như Tiki 'tiêu' hết tiền của VNG. Cụ thể, tại BCTC kiểm toán bán niên năm 2019 của Công ty CP VNG, giá trị khoản đầu tư vào Tiki đến thời điểm 30/6/2019 là hơn 506 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị còn lại của khoản đầu tư đã về 0, do VNG chịu phần lỗ từ công ty liên kết tương ứng với tỷ lệ sở hữu trong Tiki.

Với Adayroi, dù chưa công khai con số cụ thể về kết quả kinh doanh của sàn thương mại điện tử này, song báo cáo tài chính của Vingroup ghi nhận khoản lỗ trước thuế gần 3.500 tỷ đồng ở mảng bán lẻ sau 9 tháng đầu năm 2019.

img

Số lượng truy cập trên các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2018.

Trở lại với những phân tích của VNDirect, công ty chứng khoán này cho rằng yếu tố đã giúp Tiki và Shopee từ vị thế bám đuổi, dần vượt qua Lazada tại thị trường Việt Nam trong 2 năm gần đây chính là dịch vụ giao hàng hỏa tốc với thời gian ngắn hơn so với Lazada.

Cụ thể, bên cạnh hai lựa chọn vận chuyển là “Tiêu chuẩn” cần 5-6 ngày và “Nhanh” cần 1-2 ngày thì Tiki cung cấp lựa chọn giao hàng trong vòng 2 giờ, Shopee cũng cung cấp lựa chọn giao hàng trong 4 giờ trong khi đó Lazada cung cấp gói vận chuyển nhanh nhất là 24 giờ.

Đặc biệt, với hình thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay là Giao hàng – Thu tiền (COD) thì việc các công ty thương mại điện tử đưa ra được giải pháp giao hàng tin cậy và an toàn là yếu tố cạnh tranh quan trọng. Chính vì vậy, các trang thương mại điện tử lớn đã và đang rót vốn mạnh tay vào hoạt động giao nhận cùng lúc theo hai hướng.

Thứ nhất, xây dựng đơn vị chuyển phát của chính mình để chuyển phát nội vùng. Thứ hai, đầu tư hoặc mua cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp chuyển phát liên tỉnh nhằm tối ưu hóa thời gian và độ chính xác đơn hàng.

Hiện Lazada là trang thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam có đơn vị vận chuyển nội bộ là Lazada Express, trong khi Shopee mới mua cổ phần chi phối tại một đơn vị startup nổi tiếng trong lĩnh vực chuyển phát là Giaohangtietkiem. Còn hoạt động giao hàng của các công ty thương mại điện tử nhỏ hơn hiện nay vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào bên thứ ba như VNPost hay Viettel Post.