Clip làng mía đường trăm tuổi rực lửa ngày đông.
Theo lời kể của các bậc lão niên trong làng, nghề làm mía đường tại đây đã có từ lâu đời. Tuy nhiên trước đây người dân vẫn ép mía bằng gỗ được kéo bởi 2 con trâu khỏe. Hiện nay với sự phát triển của kỹ thuật, người dân đã sử dụng máy ép mía, vừa nhanh vừa giảm bớt sức con người. Công việc làm mía đường rất vất vả bởi thời điểm giáp Tết Nguyên đán - thời điểm mà mía ngọt nước nhất, cho lượng đường cao nhất thì cũng là thời điểm thời tiết mưa gió rét buốt nhất, có hôm nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 2 - 3 độ C.
Ông Hoàng Văn Tay, thôn Nà Rọ nhớ lại: “Ngày xưa tầm 10 - 12 tuổi lũ trẻ chúng tôi 4h sáng đã phải cùng bố mẹ gồng gánh lên khu đồi cao này để đuổi trâu ép mía. Giờ máy móc hiện đại, lại nhanh nên đỡ vất vả hơn rất nhiều. Trung bình 1-2 tiếng đã có thể ép được 2 mẻ mía đường”.
Nà Rọ hiện nay là địa phương duy nhất tại Văn Quan còn lưu giữ nghề là đường mía. Trước đây, nhiều địa phương cũng từng làm nghề nhưng hiện nay đã mai một.
Trải nghiệm một buổi sáng theo chân người dân làng nghề mía đường lên khu đồi cao để ép mía, PV Dân Việt mới cảm nhận được nỗi vất vả của bà con nơi đây. Trong những ngày gió mùa về, nhiệt độ giảm chỉ còn 10 - 14 độ C cộng với mưa phùn rét buốt, bà con nơi đây vẫn tất bật với công việc ép mía và nấu mía đường. Mặc dù vất vả là thế nhưng người dân nơi đây vẫn cố gắng giữ nghề ông cha truyền lại.
Trung bình 1 ngày người dân nơi đây làm được 2 mẻ đường, mỗi mẻ có trọng lượng khoảng 40 - 60kg tùy vào lượng nước mía sau ép. Mía được ép qua máy 2 lượt, sau đó được lọc cẩn thận trước khi được đun trên bếp. Sau khoảng 4 - 5 tiếng đồ hồ đun lửa to đều, nước mía lúc này cô đặc lại thành mật mía. Lúc này người thợ làm nghề chuyên nghiệp đợi đến thời điểm thích hợp thì nhấc những chảo đường xuống. Sau đó họ lại đổ vào khuôn để có được những miếng đướng phên óng vàng, ngọt sắc.
Loại đường phên này rất được ưa chuộng bởi vị ngọt tự nhiên, thơm và đảm bảo, thường được dùng để làm nhân bánh, pha nước uống. Đường chỉ có bán lúc giáp Tết, khi làng mía đường được thổi lửa hừng hực trong những ngày đông. Trung bình đường được bán với giá 35.000 – 40.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nên cũng mang lại thu nhập cao cho người làm mía đường.
Nước mía sau khi ép sẽ được nấu trong thời gian dài để cô đặc lại thành đường.
Thành phẩm cuối cùng là những miếng đường vàng óng.
Bà Triệu Thị Mọn (81 tuổi) cho biết: “Nghề trồng mía để làm đường phên bằng phương pháp thủ công này đã có từ hàng trăm năm nay. Loại giống mía này cũng chẳng biết từ đâu mà có, khi chặt mía để ép thì lại lấy ngọn mang giâm xuống đất, ăn Tết xong mang trồng. Cứ như vậy từ năm này sang năm khác, vẫn giống mía đấy. Từ ngày còn bé bà đã được theo ông bà, bố, mẹ lên quả đồi trước nhà đuổi trâu ép loại mía này để nấu đường. Giờ bà già rồi, không làm được nữa, thỉnh thoảng lại ra vườn phụ các con, các cháu chút việc nhẹ”.
Loại mía này phải trải qua ít nhất 11 tháng trồng, chăm sóc mới cho độ ngọt sắc để nấu được những mẻ đường ngon và chất lượng. Cứ vào tháng 11, 12 âm lịch hằng năm, bà con trong làng bắt đầu chặt mía để nấu đường phên. Thân mía sẽ được mang đi ép lấy nước, ngọn mía để làm giống cho vụ sau và lá mía để cho trâu bò ăn. Mặc dù vất vả là thế nhưng người dân nơi làng nghề làm mía đường trăm tuổi này chưa khi nào có ý định bỏ cái nghề đặc biệt này.
Một số hình ảnh khác về làng mía đường trăm năm tuổi ở Lạng Sơn.
Hiện nay, người dân ở đây đã sử dụng máy ép mía để giảm sức lực của con người.
Nhưng đây vẫn là một nghề rất vất vả, nặng nhọc ...