Ngay từ những năm 2008, khi Dự án Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên còn chưa được "khai sinh", chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu “thu xếp” bán lại công trình của Ban quản lý rừng phòng hộ không qua đấu thầu.
Xây nhà rồi bán cho doanh nghiệp
Theo tài liệu của phóng viên, ngày 20/9/2004, UBND tỉnh Lai Châu đã có Quyết định số 833 về việc thu hồi đất tại địa bàn xã Bình Lưu huyện Tam Đường, giao Ban quản lý rừng phòng hộ Công ty Lâm đặc sản tỉnh Lai Châu xây dựng công trình Nhà ban quản lý rừng phòng hộ Hoàng Liên Sơn, tỉnh Lai Châu.
Cụ thể, UBND tỉnh Lai Châu đã thu hồi 1.268 m2, trong đó diện tích đất hành lang giao thông là 590 m2 và diện tích trong hành lang là 678 m2. Theo UBND tỉnh Lai Châu xác nhận, diện tích đất này là loại đất đồi rừng phục hồi sau nương rẫy do UBND xã Bình Lưu quản lý. Tức là, khi đó đất ở khu vực này thuộc đất đồi, rừng.
Tiếp đó, UBND tỉnh Lai Châu đã giao toàn bộ 678 m2 cho Ban quản lý rừng phòng hộ Công ty Lâm đặc sản tỉnh Lai Châu để xây dựng công trình Nhà Ban quản lý rừng phòng hộ Hoàng Liên Sơn tỉnh Lai Châu.
"Tứ đại đỉnh đèo" đã được cấp phép xây dựng khu du lịch sinh thái (Ảnh: TX)
Tuy nhiên, tài sản của Nhà nước này lại được bán cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu. Cụ thể, ngày 9/5/2008, UBND tỉnh Lai Châu đã có Quyết định 635/QĐ-UBND về việc bán Nhà quản lý rừng phòng hộ Hoàng Liên Sơn cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu, giá bán được UBND tỉnh Lai Châu đưa ra theo nguyên giá trị quyết toán công trình.
Tới ngày 15/3/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khi đó là ông Lê Trọng Quảng đã thay mặt UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu. Diện tích 678 m2 tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu, mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng gần 70 năm, tới 15/8/2078.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, đến ngày Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án số 23121000263 ngày 1/5/2012 cho đại diện là ông Lê Thanh Hùng – Chủ tịch HĐQT công ty, và cho thuê đất tại Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 với diện tích 517.541m2 để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp (xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu biệt thự sinh thái, khu vui chơi…).
Có thể thấy, tới tháng 5/2012 doanh nghiệp mới có Chứng nhận đầu tư dự án này của UBND tỉnh nhưng ngay từ năm 2010, Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu đã được UBND tỉnh Lai Châu “dọn đường” bán lại cho khu đất 678m2 là Nhà của Ban quản lý rừng phòng hộ Hoàng Liên Sơn để xây nhà hàng, khách sạn.
Công trình khách sạn của Công ty Cổ phần Pusamcap được các cơ quan chức năng của Lai Châu cấp phép xây dựng trên đỉnh đèo Hoàng Liên
Bán tài sản công không qua đấu thầu
Vấn đề đặt ra là, ngày 23/7/2010, UBND tỉnh Lai Châu đã cấp GCN quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu, đây là tài sản đất công, UBND tỉnh Lai Châu có tổ chức đấu thầu hay không? PV Dân Việt đã làm việc với Sở TNMT tỉnh Lai Châu.
Đại diện Sở TNMT tỉnh Lai Châu xác nhận khu đất 678m2 đã giao cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu, trước đây được UBND tỉnh Lai Châu giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ - Công ty Lâm đặc sản tỉnh Lai Châu để xây dựng công trình BQL rừng phòng hộ Hoàng Liên Sơn tỉnh Lai Châu Theo Quyết định 833/QĐ-UB ngày 10/9/2004.
Tuy nhiên, do Ban Quản lý rừng phòng hộ ở xa, việc quản lý khai thác sử dụng công trình không mang lại hiệu quả nên UBND tỉnh Lai Châu đã thống nhất, bán toàn bộ tài sản cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu xây dựng trụ sở làm việc kết hợp với công trình du lịch khác, với giá bán là nguyên giá công trình theo quyết toán công trình tại Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 9/5/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu.
Tiếp đó, trên cơ sở quyết toán tài sản của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và nhu cầu sử dụng đất của Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu, Sở TNMT tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi 678 m2 đất của Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ để giao cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất tại Quyết định số 1185/QĐ-UBND ngày 15/8/2008.
Đến ngày 15/3/2010 UBND tỉnh Lai Châu đã cấp GCN quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu khi mà công ty này còn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên”.
Trước đó, cũng tại một trong "tứ đại đỉnh đèo" dư luận đã bức xúc khi công trình Panorama Mã Pì Lèng như cái “gai bê tông” mọc lên không có giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng và không có văn bản thẩm định của Bộ VHTTDL.
Còn trên đèo Hoàng Liên (hay còn gọi là đèo Ô Quý Hồ), khách sạn 3 tầng của Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu cũng đang "chễm chệ" với sự "ưu ái" đến từ các cơ quan chức năng của Lai Châu: cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm cả đất rừng phòng hộ; thời hạn sử dụng 70 năm và giá thuê đất "rẻ như cho".
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!
Tháng 9/2015, Bộ VHTTDL chính thức trao Bằng công nhận di tích danh thắng cấp Quốc gia thác Cầu mây và cổng trời thuộc khu vực đèo Hoàng Liên (xã Sơn Bình) cho UBND huyện Tam Đường. Công trình khách sạn của công ty Pusamcap Lai Châu nằm trên đèo Hoàng Liên Sơn nối hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, một trong những "tứ đại đỉnh đèo", thuộc di tích danh thắng Quốc gia nhưng đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu cấp cho doanh nghiệp kinh doanh. |