Dân Việt

Vì sao Moody’s hạ tín nhiệm không liên quan đến sức khỏe hệ thống ngân hàng?

Huyền Anh 23/12/2019 12:12 GMT+7
Giới phân tích nhìn nhận, Moody's hạ triển vọng xuống tiêu cực của các ngân hàng Việt là quyết định thiếu công bằng và thiếu thuyết phục. Tuy nhiên, điều này lại có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động huy động vốn quốc tế của các nhà băng này.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã phát đi thông báo điều chỉnh đánh giá xếp hạng tín nhiệm đối với 18 ngân hàng Việt Nam, trong đó nhiều nhà băng bị hạ triển vọng xuống tiêu cực.

18 ngân hàng bị điều chỉnh đợt này gồm ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MBBank, Nam A Bank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, MSB, VPBank và Techcombank.

Như vậy, so với thông báo đưa ra cách đây hai tháng là sẽ xem xét hạ tín nhiệm quốc gia với Việt Nam, quyết định của Moody’s lần này có phần tích cực hơn.

Không hề liên quan đến sức khỏe hệ thống ngân hàng 

Nhìn nhận về động thái này, Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực thừa nhận, không chỉ ngân hàng mà tất cả doanh nghiệp được Moody’s xếp hạng đều bị hạ bậc triển vọng tín nhiệm, bởi xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp không được cao hơn xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việc hạ triển vọng tín nhiệm ngân hàng lần này không hề liên quan đến sức khỏe hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng Việt Nam có liên quan trực tiếp tới việc tổ chức này hạ bậc triển vọng tính nhiệm của Việt Nam về mức "Tiêu cực" trước đó. Mặc dù vậy cũng phải thừa nhận rằng, ngoài việc hạ thấp triển vọng của các ngân hàng bởi xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp không được cao hơn xếp hạng tín nhiệm quốc gia thì việc một số ngân hàng Việt Nam vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề nợ xấu và khả năng quản trị rủi ro vẫn chưa đạt yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế cũng là những yếu tố khiến Moody's đưa ra quyết định trên.

Cũng có ý kiến cho rằng, quyết định này của Moody's vẫn chủ yếu dựa trên yếu tố kỹ thuật, hơn là đánh giá về khả năng, năng lực hay triển vọng. Vì vậy, tạo nên sự thiếu công bằng và không có tính thuyết phục đối với các ngân hàng.

Về phía Bộ tài chính, Bộ này khẳng định, quyết định hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia với Việt Nam của Moody’s là không xác đáng, không tương xứng với chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam. Moody's chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, mà bỏ qua thành tựu toàn diện mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công.

img

Cách đây 2 tháng, khi Vietcombank nằm trong danh sách các ngân hàng bị xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của Moody's, đại diện nhà băng này cho hay, thực tế, Moody's vẫn đánh giá cao sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc xem xét hạ tín nhiệm ngân hàng, doanh nghiệp hoàn toàn là do ảnh hưởng bởi hạ tín nhiệm quốc gia.

"Như Vietcombank, hạn mức tín nhiệm hiện nay đang ở mức tối đa – tức ngang bằng với tín nhiệm quốc gia. Nếu tín nhiệm quốc gia bị hạ thì tín nhiệm doanh nghiệp cũng sẽ bị hạ xuống. Tuy nhiên, Moody's cũng liên tục rà soát, đánh giá. Vì vậy, bằng các lập luận của mình, chúng ta cần phải chứng minh với họ rằng, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, không có lý do gì để giảm xếp hạng tín nhiệm với quốc gia, doanh nghiệp", đại diện Vietcombank nhấn mạnh.

Ngân hàng Việt có nguy cơ chịu lãi vay cao hơn?

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, động thái hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm với quốc gia và ngân hàng Việt Nam của Moody’s sẽ không tác động quá lớn tới huy động vốn trong nước của các ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, sẽ có tác động nhất định tới quyết định rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

"Các nhà đầu tư trong nước thường không quan tâm nhiều tới báo cáo xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, động thái này sẽ tác động nhất định tới quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài khi họ có ý định rót vốn vào các ngân hàng tại Việt Nam.

img

Chưa kể, việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của các ngân hàng còn có thể dẫn tới nguy cơ tăng lãi suất vay nợ trên thị trường trái phiếu quốc tế của các ngân hàng Việt. Đó là quy luật thường thấy trên thị trường", ông Hiếu đề cập.

Đại diện các ngân hàng cũng cho rằng, việc bị hạ triển vọng cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động huy động vốn trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, ông Cấn Văn Lực thừa nhận, hậu quả của việc Moody’s hạ triển vọng của quốc gia và ngân hàng, có thể việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp để vay nợ nước ngoài thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nhất định, cụ thể là phải trả lãi suất cao hơn, bởi quốc gia có tín nhiệm càng thấp thì nhà đầu tư càng yêu cầu lãi suất cao và ngược lại.