Trong một lần ghé thăm xã Ka Đơn, chúng tôi được ông Dương Văn Chí - Chủ tịch Hội Nông dân xã giới thiệu về nông dân Nguyễn Văn Đam - một trong số ít người tiên phong ở xã Ka Đơn trồng ớt chuông và đưa vào nhà kính canh tác với diện tích là 8.000 m2.
Ông Đam cho hay: “Nhiều lần tôi cũng muốn thay đổi cách thức trồng ớt chuông nhưng do vốn liếng chưa đủ và chưa có nhiều kinh nghiệm nên ý định đầu tư làm công nghệ cao vẫn còn dang dở”.
Khu vườn trồng ớt chuông với diện tích 8.000 m2 nhà kính của ông Nguyễn Văn Đam đã cho nguồn thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm. Ảnh: T.Hiền.
Và đầu năm 2016, ông Đam quyết định vay mượn thêm bạn bè, người thân, cùng số vốn đã có sẵn của mình để mở rộng diện tích vườn ớt chuông và tiến hành lắp đặt hệ thống nhà kính.
Trên cả sự mong đợi, vườn ớt chuông sau khi được chuyển vào nhà kính, cây phát triển và cho năng suất cao gấp nhiều lần so với trước. Theo chân ông Đam vào khu vườn ớt đang mùa chín rộ, thật bất ngờ khi trước mắt chúng tôi là một khuôn viên nhà kính rộng 8.000 m2 dùng để trồng ớt.
Hiện tại, trong vườn nhà ông Đam có 3 loại ớt chuông là: ớt xanh, ớt đỏ và ớt vàng. Cầm quả ớt chuông trên tay, ông Đam cho biết, ớt trong vườn bây giờ đang vào mùa thu hoạch.
Ông Đam khiêm tốn bảo: “Đấy, vườn ớt chuông của tôi nó cũng chỉ có thế thôi chứ đâu có gì lạ. Ngày trước trồng ngoài trời, quả nào quả ấy cứ bé tí tẹo, chăm sóc, phân bón miết nhưng khi thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Cây này giá trị tuy cao nhưng nếu trồng ngoài trời thì năng suất và chất lượng của nó không được tốt, giá cũng sẽ thấp hơn so với trồng ở nhà kính rất nhiều”. |
Vì ớt này là loại ớt được người dân ưa chuộng và tin dùng nên việc tìm đầu ra cũng không gặp khó khăn. Chủ yếu là khách thương lái ở nhiều nơi đến thu mua, họ đến thương lượng và bản thân thấy giá cả hợp lí thì sẽ đồng ý bán.
Trồng ớt chuông mỗi năm 1 lứa, sau 3 tháng cho thu hoạch và thu liên tục trong vòng 9 tháng. Thương lái thu mua ớt tại vườn là trên 20.000 đồng/kg, có những thời điểm giá ớt chuông lên tới 30.000 đồng, đợt cao điểm là 40.000 đồng và đối với vườn của tôi, tôi bán giá trung bình khoảng 27.000 đồng/kg thì tôi thu về hơn 2 tỷ đồng/năm”.
Nói về giai đoạn đầu khi quyết định đưa ớt chuông về trồng ở mảnh đất Ka Đơn, ông Đam cho biết khó khăn trong bước đầu với cây ớt chuông là kinh nghiệm trồng và chăm sóc chưa nắm bắt hết được nên thấy khá vất vả. Tính đến nay cũng đã gần 20 năm gắn bó với nó nên sau khi chuyển vào làm trong nhà kính ông đã có thêm nhiều kinh nghiệm và ít gặp khó khăn hơn trước.
Để tích lũy thêm nhiều kiến thức, ông Đam đã tìm ra huyện Đơn Dương, Đức Trọng để gặp gỡ những chủ vườn có kỹ năng trồng lâu năm học hỏi và trau dồi thêm kinh nghiệm. Ông lân la hỏi khắp nơi về công nghệ tưới nhỏ giọt có hẹn giờ, sau đó đi mua các thiết bị cần thiết về lắp ráp, đưa vào vận hành cho khu vườn nhà mình.
Không chỉ là một trong số những người tiên phong chuyển đổi giống cây trồng mà ông Đam còn là người đang sử dụng công nghệ trong sản xuất. Hiện tại, khu vườn của ông đã được lắp đặt hệ thống hẹn giờ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm chi phí, công lao động và đặc biệt giúp ông làm nông rất “nhàn”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Dương Văn Chí - Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận xét, ông Đam là một trong số ít người đang tiên phong trồng ớt chuông trong nhà kính và mang lại nguồn kinh tế cao trong gia đình.
Nhờ có tính chịu thương, chịu khó mà mô hình ớt chuông của ông Đam đã thành công và được nhiều người tìm đến để học hỏi, phát triển kinh tế trong hộ dân. Tuy nhiên, do việc đầu tư nhà kính cần phải có một số vốn khá lớn và phải “liều” thì khi đó mới có thể làm được như ông Đam bây giờ. |