Dân Việt

Nuôi loài chuột núi ăn cỏ voi, người Pa Kô ở đây mong đổi đời

Hiếu Giang 24/12/2019 13:15 GMT+7
Lâu nay, người dân tộc Pa Kô chỉ quen với việc săn, bẫy bắt con dúi (còn gọi là chuột núi) sinh sống trên rừng. Được sự hỗ trợ của dự án Plan, giữa năm 2019 một số hộ dân bản ở thôn Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu nuôi dúi.

Đến nay dúi nuôi đã phát triển, sinh sản tốt, đầu ra ổn định khiến người dân rất phấn khởi vì có thêm sinh kế mới.

Cùng với việc tiếp tục phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi truyền thống, ở địa bàn một số xã miền núi Quảng Trị, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã chủ động tìm tòi và phát triển các loại đối tượng cây, con mới nhằm nâng cao thu nhập và đa dạng hóa mô hình nông nghiệp.

Được sự hỗ trợ về mặt kĩ thuật, con giống từ các tổ chức, dự án, người dân đã mạnh dạn tiếp cận và xây dựng mô hình mới, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, và con dúi, một loại vật nuôi mới đang được người dân xã Tà Rụt, huyện Đakrông chọn lựa.

img

Dúi nuôi của gia đình anh Hò Văn Biệt đã sinh sản, phát triển tốt sau một thời gian nuôi​.

Anh Hồ Văn Hêm, Trưởng thôn Vực Leng, xã Tà Rụt cho biết: “Qua quá trình theo dõi thôn đã chọn lựa được hai gia đình đảm bảo đủ tiêu chuẩn để nuôi thử nghiệm mô hình dúi, đó là gia đình các anh Hồ Văn Biệt và Hồ Văn Bơn.

Hai gia đình này có chuồng trại, có sức khỏe và lực lượng lao động, có đủ nguồn thức ăn đảm bảo cho mô hình thành công để nhân rộng ra toàn thôn. Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Hồ Văn Biệt sau một thời gian thực hiện đã bước đầu đạt được hiệu quả.

Được sự hỗ trợ từ dự án Plan, 5 tháng trước anh Biệt nhận 4 con dúi giống về nuôi thử nghiệm. Sau quá trình nuôi, đàn dúi phát triển tốt và bắt đầu sinh sản.

Bên cạnh sự hỗ trợ con giống, dự án Plan tiến hành tập huấn kĩ thuật, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, hướng dẫn chăm sóc phòng chống dịch bệnh, tìm hiểu tập tính sinh sống của loài dúi cho những hộ nuôi. Được sự chuẩn bị chu đáo như vậy cho nên đến nay mô hình của anh Biệt đã bước đầu phát triển.

“Hiện dúi nuôi của gia đình tôi đã sinh sản và phát triển tốt. Theo tôi tìm hiểu thì đầu ra và giá bán của loại con nuôi này khá ổn định. Nếu mọi việc thuận lợi thì qua đầu năm 2020 gia đình tôi sẽ xuất bán được lứa dúi đầu tiên”, anh Biệt nói.

Cũng như anh Biệt, anh Bơn được dự án hỗ trợ 4 con dúi ban đầu để nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian nuôi, anh Bơn cho biết: “Qua một thời gian nuôi thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy đây là loại vật nuôi dễ chăm sóc, thức ăn cũng rất đơn giản, tận dụng được tất cả các loại sẵn có như mía, sắn, cỏ voi... công chăm sóc thì ít, với lại đây là loài đặc sản nên dễ có đầu ra.."

"So sánh với các loại vật nuôi khác thì nuôi dúi dễ hơn, chẳng hạn như nuôi trâu bò thì cần vốn lớn, nuôi dê thì cần bãi chăn thả, chuồng trại, công chăm sóc nhiều, nuôi lợn thì dễ bị dịch bệnh, giá bấp bênh... nên đây là loại vật nuôi rất phù hợp với người dân chúng tôi”, anh Bơn cho biết thêm.

Với đặc điểm dễ nuôi, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, nguồn thức ăn tại địa phương dồi dào nên bước đầu đàn dúi các hộ nuôi đang phát triển tốt. Đặc biệt điều kiện khí hậu tại địa phương rất phù hợp với tập tính sinh trưởng của loài dúi nên từ số lượng những con giống ban đầu, đến nay đàn dúi của hai hộ đã tăng lên hàng chục con.

Cũng vì nhận thấy mô hình phù hợp nên bên cạnh số dúi được hỗ trợ, anh Bơn còn mua thêm 5 cặp giống để mở rộng mô hình. Với đặc điểm là món đặc sản tại địa phương nên đầu ra của sản phẩm luôn ổn định, vì vậy đây là mô hình rất có tiềm năng phát triển.

Đây là lần đầu tiên người dân thôn Vực Leng làm quen với việc nuôi dúi, mới đầu nuôi thử nghiệm không tránh khỏi những khó khăn, tuy nhiên do được tập huấn kĩ càng cộng với việc tìm hiểu qua sách báo, tivi nên cơ bản đến nay mô hình đang phát triển tốt.

Là loài vật được xem là đặc sản, được ưa chuộng nên thị trường dúi thương phẩm luôn đảm bảo đầu ra. Hơn nữa, trong số các đối tượng vật nuôi đặc sản thì dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao do vậy sau khi mô hình phát triển, người dân và cán bộ dự án Plan sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, qua đó nâng cao giá trị kinh tế, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.