Dân Việt

Nông thôn mới ở Bình Dương: Hạ tầng giao thông đi trước một bước

Trần Đáng 29/12/2019 18:35 GMT+7
Qua 10 năm làm nông thôn mới (NTM) tại Bình Dương, điều nổi bật là hạ tầng giao thông đi đầu trong 19 tiêu chí tỉnh đang thực hiện.

Xác định hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) chính là điều kiện cơ bản, là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ngay từ những năm đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch về phát triển các tuyến đường GTNT trên địa bàn.

100% “cứng hóa”

Tại hội nghị 10 năm NTM hồi đầu tháng 12, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã đánh giá rất cao tiêu chí giao thông tỉnh Bình Dương đã thực hiện trong Chương trình xây dựng NTM, với gần như 100% các tuyến đường từ ấp, xã và huyện được “cứng hóa”, kết nối đồng bộ với nhau.

img

Các hội, đoàn thanh niên tỉnh Bình Dương chung tay xây dựng đường GTNT.  Ảnh: T.Đ

Hiện nay, khi đến huyện Bàu Bàng dễ nhận thấy sự thay đổi rõ nét về hệ thống GTNT nơi đây. Không chỉ “cứng hóa” đường giao thông, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện được phân bố khá hợp lý, từ hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện, đường GTNT... tạo được sự liên kết, đồng thời kết nối với mạng giao thông các huyện và các tỉnh lân cận.

Theo UBND huyện Bàu Bàng, trong khoảng thời gian 2014 - 2019, huyện đã “cứng hóa” được 418km đường, gồm hệ thống đường huyện, đường xã, đường trục ấp và ngõ xóm đều được bêtông hóa, nhựa hóa, bảo đảm xe cơ giới đi lại thuận tiện. Tổng vốn thực hiện các công trình giao thông hơn 900 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 258 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 136 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 163 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Lê (khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên) cho biết: “Hiện nay, những con đường đất đỏ, sình lầy trên địa bàn đã được trải nhựa, đổ bêtông sạch đẹp tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của người dân. Từ đây, kinh tế - xã hội của địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển, đời sống người dân được nâng lên rõ nét”.

Trong khi đó, theo UBND huyện Phú Giáo, đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Hiện, trên địa bàn huyện có 100% chiều dài đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bêtông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT; 100% đường trục thôn, xóm được cứng hóa; 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi. Đường huyện được nhựa hóa 246km, đường xã được nhựa hóa 648,9km.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Bình Dương thường xuyên quan tâm, nâng cấp các tuyến đường xã, ấp đã “cứng hóa” để tránh tình trạng “làm đầu này, hỏng đầu kia”, làm giảm hiệu quả mà GTNT mang lại cho phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Kết nối đồng bộ đường giao thông

Ông Nguyễn Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương đánh giá, qua 10 năm làm NTM, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được phát  triển toàn diện cả về số lượng và được nâng cấp rõ rệt về chất lượng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 117 tuyến đường trục ấp với tổng chiều dài 691km và 743 tuyến đường liên ấp với tổng chiều dài 880km; 100%  (2.278 tuyến với tổng chiều dài 111.623km) đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 100%  (277 tuyến với tổng chiều dài 303km) tuyến đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Trong 10 năm (2010-2020) thực hiện phong trào GTNT - chỉnh trang đô thị, toàn tỉnh đã giặm vá, nâng cấp, sửa chữa 46% tuyến đường GTNT, đảm bảo ôtô đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Cũng theo ông Bông, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh Bình Dương là tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng, lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển kết nối đồng bộ trong vùng Đông Nam bộ với các vùng đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên để khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế các vùng miền.