Dân Việt

Tỷ phú Trần Bá Dương ước thu 2 tỷ USD từ thương vụ hợp tác với bầu Đức

Nguyên Phương 24/12/2019 16:00 GMT+7
“Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch doanh thu trong lĩnh vực chăn nuôi và nông nghiệp với mục tiêu đạt 2 tỷ USD vào năm 2022”, ông Trần Bá Dương cho biết.

img

Ông Trần Bá Dương và ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). (Ảnh minh hoạ).

Hơn 1 năm tính từ thời điểm ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Trần Bá Dương chính thức bắt tay, đánh dấu mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai và Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), câu chuyện được giới đầu tư nhớ tới nhiều nhất là những thương vụ thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần tại công ty con của HAGL và HAGL Agrico cho Thadi, Đại Quang Minh của ông Trần Bá Dương.

Qua những thương vụ này, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng lần lượt từ bỏ những mảng kinh doanh từng được coi là mũi nhọn của HAGL như bất động sản, cao su để tái cơ cấu nợ vay và tập trung nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp.

Chia sẻ sâu hơn về quan hệ hợp tác nông nghiệp thữa Thaco và HAGL tại tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương cho biết, Thaco đã đầu tư vào HAGL và thành lập Công ty Thadi.

Năm 2019, doanh thu xuất khẩu trái cây của Hoàng Anh Gia Lai là 100 triệu USD, của Thadi là 55 triệu USD. Đồng thời, đã trồng mới 15.000ha, bao gồm 10.000ha cây ăn trái 5.000 ha chuối.

Bước sang năm 2020, ông Trần Bá Dương dự kiến doanh thu của HAGL Agrico là 400 triệu USD, còn Thadi là 600 triệu USD. Ngoài ra, diện tích cây ăn trái của HAGL Agrico sẽ đạt 25.000ha, bao gồm 11.000ha chuối. Với Thadi, doanh nghiệp này sẽ đầu tư 13.500ha cây ăn trái, trong đó, có 4.500ha trồng chuối. Đồng thời, Thadi chăn nuôi 90.000 con bò, 45.000 con heo nái.

“Như vậy cả hai sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD”, ông Trần Bá Dương dự báo.

Theo ông Trần Bá Dương, hai bên đang xây dựng kế hoạch doanh thu trong lĩnh vực chăn nuôi và nông nghiệp với mục tiêu đạt 2 tỷ USD vào năm 2022.

Từ việc phát triển của Thaco và Thadi, ông Dương có một số chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp. Thứ nhất, trong hội nhập, phải cân bằng cán cân thương mại và tiền tệ.

“Thaco vừa làm ô tô vừa làm nông nghiệp, chúng tôi đảm bảo không nhập siêu cho nền kinh tế và tự cân bằng tiền tệ”, ông Bá Dương Dương nói.

Thứ hai, doanh nghiệp phải xây dựng nền tảng và áp dụng nền tảng quản trị công nghiệp, có tính kỷ luật và tuân thủ cao. Đồng thời, tiến hành số hóa với lộ trình phù hợp cho tất cả ngành, nhất là nông nghiệp.

Ông Trần Bá Dương giải thích: "Số hoá rất tốn kém. Nếu không có lộ trình và có bước đi phù hợp thì thực tế trên thế giới cho thấy đã nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Hiện nay, tất cả các ngành đều có nhiều người giỏi, nhưng khi thành một tập thể lại không giỏi, và không có các sản phẩm có quy mô lớn, sản lượng lớn, chất lượng ổn định. Vậy nên, rất cần có nền tảng quản trị”.

Thứ ba, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nước ngoài nhập khẩu rất nhiều hàng hoá vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Chính phủ đã xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chiến lược nhưng các ngân hàng rất e ngại cho vay nông nghiệp.

“Khi tôi tham gia cái này, tôi thấy nông nghiệp có tiềm năng rất lớn. Báo cáo Thủ tướng, nếu ta trồng 50 – 100ha chuối thì không xuất khẩu được nhưng vì không đủ sản lượng, nhưng nếu trồng với quy mô lớn hơn 300ha thì sẽ là thế mạnh của ta trong thời gian tới khi xuất khẩu”, ông Dương cho biết.

Ngoài ra, ông Trần Bá Dương cho rằng các doanh nghiệp phải giữ gìn, nâng cao hình ảnh.

“Ta phát triển thị trường mà có thay đổi gây tiếng xấu thì coi như mất tất cả”, ông Dương nhấn mạnh.

Thứ tư, trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro. Vậy nên, cần tăng cường đoàn kết, hợp tác với nhau.

"Vừa qua chúng tôi đã hợp tác với HAGL Agrico. Sắp tới, chúng tôi sẽ hợp tác tiếp với một doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp, hỗ trợ thêm một vài doanh nghiệp nhỏ vào cấu trúc doanh nghiệp của chúng tôi”, ông Trần Bá Dương cho biết.

Kết thúc phần chia sẻ của mình, ông Dương cho biết, thời gian qua, Thủ tướng đã tạo ra động lực, không khí thúc đẩy các doanh nghiệp hăng say làm việc. Song khi bước vào giai đoạn mới, cần có một nghị quyết hướng tới xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh có thể tham gia hội nhập. khi Việt Nam có những doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn có thể đầu tư ra nước ngoài.