Dân Việt

Khu du lịch đỉnh đèo Hoàng Liên: Thuê 1m2 đất/năm chưa bằng ly trà đá

Thanh Xuân 29/12/2019 08:46 GMT+7
Các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu không chỉ “ưu ái” cho nhà đầu tư Dự án "Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên" được điều chỉnh giãn tiến độ nhiều năm, được sử dụng đất rừng phòng hộ mà còn được thuê đất với giá thuê 1m2 đất trong một năm chưa bằng giá cốc trà đá.

Cấp sổ hồng cho doanh nghiệp cả đất rừng phòng hộ

Như Dân Việt đã thông tin, để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên, UBND tỉnh Lai Châu đã cấp 3 Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu. Ngoài GCN quyền sử dụng đất ngày 15/3/2010 rộng 678 m2 là khu đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Hoàng Liên Sơn, 2 GCN quyền sử dụng đất còn lại đều có diện tích đất của rừng phòng hộ nhưng vẫn được UBND tỉnh Lai Châu “ưu ái” cấp cho doanh nghiệp.

img

Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên không chỉ thuộc di tích danh thắng cấp Quốc gia, được ví là "tứ đại đỉnh đèo" mà còn là khu vực có rừng phòng hộ đầu nguồn (Ảnh: TX)

Cụ thể, tháng 6/2014, UBND tỉnh Lai Châu đã cấp 2 GCN quyền sử dụng đất CT00470 và CT00471 cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu. Trong đó, GCN CT00470 thửa đất số 1, có diện tích 124.782 m2, mục đích sử dụng: đất rừng phòng hộ, có thời hạn sử dụng đến ngày 23/11/2062, nguồn gốc sử dụng là Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Tương tự, GCN CT00471 cấp cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu thửa đất số 2, có diện tích 392,759 m2, mục đích sử dụng là đất rừng phòng hộ, đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn và nguồn gốc sử dụng tương tự như GCN CT00470.

Hiện nay, theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, khi xin phép xây dựng, chủ đầu tư phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất hợp pháp, đồng thời phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất xây dựng.

Tuy nhiên, theo Quy chế quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, đối với các dự án du lịch thuộc khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, chủ đầu tư chỉ được thuê môi trường rừng và phải trả phí khi sử dụng.

img

Mặc dù giá thuê 1m2 đất chưa tới 1 ly trà đá nhưng giá dịch vụ tham quan ở đây có giá vé 80.000 đồng/người lớn và 40.000 đồng/trẻ em, còn tiền phòng thấp nhất là 950.000 đồng/đêm (Ảnh: TX)

Thuê đất "đắt nhất" 420 đồng/m2/năm

Theo tài liệu của Dân Việt, ngày 23/1/2013, đại diện Sở TNMT tỉnh Lai Châu khi đó là ông Đỗ Văn Tính – Phó giám đốc Sở đã ký hợp đồng thuê đất số 50 với Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu, đại diện công ty này khi đó là Giám đốc Lê Thanh Hùng.

Theo đó, diện tích thuê đất là 517.541 m2 tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu để thực hiện dự án: “Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên” gồm các hạng mục:

Diện tích 417.541 m2 sử dụng vào mục đích nông nghiệp (trồng mới, khoanh nuôi, tái tạo và phát triển rừng);

Diện tích 100.000 m2 sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp theo đơn xin thuê đất của Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu bao gồm: Khu nhà hàng, trung tâm hội nghị, khu khách sạn, khu biệt thự sinh thái, khu chợ đồng bào dân tộc, khu cắm trại, dã ngoại, khu vui chơi, thể thao, đảo hồ sinh thái, vươn hoa công viên, hệ thống đường giao thông nội bộ, các công trình phụ trợ, hệ thống bãi đỗ xe, khu đất dự phòng phát triển xây dựng.

Như vậy, từ GCN quyền sử dụng đất CT00012 cấp ngày 15/3/2010 cho Công ty Cổ phần Pusamcap sử dụng Nhà quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường chỉ có 678 m2, Sở TNMT đã cho doanh nghiệp thuê diện tích để xây dựng lên tới 100.000 m2.

Cũng tại thời điểm dự án được xây dựng, các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu đã có buổi làm việc với báo chí ngày 18/10/2018, gồm đại diện Sở TNMT, Sở NNPTNT, Sở Xây dựng, UBND huyện Tam Đường và đề nghị Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu dừng ngay việc thi công các hạng mục công trình chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Đồng thời, trước khi thi công các hạng mục công trình đã được cấp phép theo quy định phải báo cáo chính quyền địa phương, Ban quản lý rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm và có thống nhất bằng biên bản làm việc. Có thể thấy, trong quá trình thi công năm 2018, Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu đã vi phạm quy định về trật tự xây dựng và chính đại diện Công ty này cũng ký vào biên bản làm việc với các sở ban ngành của tỉnh Lai Châu.

PV Báo Điện tử Dân Việt đã liên hệ làm việc và đã đặt câu hỏi: Có hay không việc Dự án đã lấy cả đất rừng phòng hộ để xây dựng và lấy diện tích bao nhiêu? Tuy nhiên, sau hơn 2 tuần đặt lịch làm việc các cơ quan chức năng của Lai Châu và Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu vẫn chưa trả lời.

Điều đáng quan tâm là ở hợp đồng thuê đất giữa Sở TNMT với Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu cũng nêu rõ: Giá tiền thuê đất theo hàng năm, diện tích 100.000 m2, đất sử dụng vào mục đích kinh doanh phi nông nghiệp có đơn giá 420 đồng/m2/năm; diện tích 417.541 m2 đất sử dụng vào mục đích Nông nghiệp (trồng mới, khoanh nuôi và tái tạo phát triển rừng) có đơn giá thuê là 30 đồng/m2/năm.

Chúng tôi đã làm việc với Sở TNMT tỉnh Lai Châu để hỏi rõ vì sao ký hợp đồng thuê đất với giá “bèo bọt” như thế cho doanh nghiệp? Đại diện Sở TNMT là ông Vũ Minh Thức – Trường phòng đất đai và đo đạc bản đồ cho biết: "Giá thuê đất là do Sở Tài chính quyết định và Sở TNMT tỉnh Lai Châu ký hợp đồng thuê đất căn cứ vào Quyết định số 05/QĐ-STC ngày 9/1/2013 của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lai Châu để ký hợp đồng thuê đất".

Ông Thức cũng cho biết, theo quy định giá thuê đất phải điều chỉnh 5 năm 1 lần và hiện tại Cơ quan thuế đã điều chỉnh giá thuê đất.

Để tìm hiểu rõ hơn về giá thuê đất, chúng tôi tiếp tục làm việc với Cục thuế tỉnh Lai Châu và một đại diện đơn vị này cho biết đã có đơn giá thuê đất mới áp dụng cho Công ty Cổ phần Pusamcam Lai Châu với mức giá cao hơn trước đây.

Cụ thể, tài liệu mà đại diện Cục thuế tỉnh Lai Châu cung cấp cho thấy, ngày 9/1/2018, Chi cục Thuế huyện Tam Đường đã có văn bản số 11 thông báo về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước của Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu.

Theo đó, giá tiền thuê đất theo hàng năm, diện tích 100.000 m2, đất sử dụng vào mục đích kinh doanh phi nông nghiệp được điều chỉnh tăng từ 420 đồng/m2 lên 1.341 đồng/m2/năm; Tuy nhiên, diện tích 417.541 m2 đất sử dụng vào mục đích Nông nghiệp (trồng mới, khoanh nuôi và tái tạo phát triển rừng) có đơn giá thuê từ 30 đồng/m2/năm lại được giảm xuống thành 12,5 đồng/m2/năm. Thời hạn ổn định giá thuê đất cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu là 5 năm, đến năm 2023.

Như vậy, với đơn giá thuê đất cao nhất cũng chỉ là 1.341 đồng/m2/năm, chưa bằng 1/2 ly trà đá nhưng giá dịch vụ của người dân khi tham gia du lịch ở đây lại khác hẳn. 

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin. 

Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về việc tăng cường quản lý và sử dụng rừng và đất rừng, đặc biệt là rừng và đất rừng tự nhiên đều nhấn mạnh việc nâng cao, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.

Trong đó đặc biệt là trách nhiệm của Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Lãnh đạo UBND cấp tỉnh trong việc quản lý, sử dụng rừng và đất rừng tự nhiên.

Dư luận đặc biệt băn khoăn với diện tích rừng phòng hộ mà UBND tỉnh Lai Châu đã giao cho Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu sẽ quản lý và bảo vệ rừng như thế nào, có vi phạm Chỉ thị số 13 và Nghị quyết 71 hay không?