Dân Việt

Nông thôn mới Quảng Nam: Sức sống mới trên đất Bình An

Trần Hậu - Đại Nghĩa 28/12/2019 05:00 GMT+7
Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Bình An (Thăng Bình, Quảng Nam) đã về đích NTM năm 2015. Hiện nay, xã Bình An đang tập trung đầu tư để nâng chất các tiêu chí, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đột phá hạ tầng giao thông

Về xã Bình An trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da, đổi thịt” của địa phương. Những con đường đất lầy lội, gồ ghề trước kia giờ đây đã được bê tông trải rộng, sạch sẽ. Dọc tuyến đường liên thôn là những ngôi nhà tầng san sát; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa của người dân.

Điều đó minh chứng cho sự đồng lòng, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Bình An trong xây dựng NTM.

img

   Diện mạo nông thôn xã Bình An ngày càng “thay da, đổi thịt”. Ảnh: P.V

"Mặc dù xã Bình An đã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, nhưng chúng tôi sẽ không thỏa mãn dừng lại ở việc giữ vững 19 tiêu chí đó mà phải nỗ lực, phấn đấu khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để chương trình xây dựng NTM thời gian tới tiếp tục phát triển, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho người dân và địa phương…”.

Ông Lê Hồng Thiết - Chủ tịch UBND xã Bình An

Ông Lê Hồng Thiết - Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, xã xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước trong xây dựng NTM, bởi khi hạ tầng giao thông được đồng bộ hóa sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai các tiêu chí còn lại.

Theo đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nhanh chóng sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của huyện, tỉnh để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn. Nhờ đó, hàng loạt các công trình phúc lợi được chính quyền địa phương giao cho các khu dân cư trực tiếp tổ chức thi công, giám sát, mang lại hiệu quả cao.

Đến nay, toàn xã đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa được 15,95km đường giao thông trục xã, liên xã, đạt tỷ lệ 100%, 3,57km đường trục thôn xóm được cứng hóa, 21,77km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, 8,15km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Trong giai đoạn 2016-2019, 3km giao thông nông thôn (GTNT) đã được bê tông từ nguồn vốn NTM, huyện hỗ trợ 1,244km GTNT theo cơ chế 29 (hỗ trợ khu dân cư NTM kiểu mẫu) và 0,97km GTNT theo cơ chế huyện hỗ trợ xi măng...

“Ngoài giao thông, các tiêu chí khác như thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, điện, trường học, y tế… cũng được địa phương đầu tư xây dựng. Nhờ vậy, xã luôn giữ được danh hiệu xã NTM, điều đáng mừng là các tiêu chí không những được giữ vững mà ngày càng nâng cao…” - ông Thiết vui mừng nói.

Tập trung nâng tiêu chí thu nhập

Ông Thiết cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Bình An trong giai đoạn này là tập trung nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, bởi khi thu nhập được cải thiện, cuộc sống người dân ổn định sẽ tác động trở lại giúp công cuộc xây dựng NTM ngày càng nâng cao và bền vững hơn.

Trên địa bàn Bình An đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, giúp bà con nhân dân có thu nhập ổn định, như các mô hình trồng rừng với diện tích hơn 225,01ha; trồng cây nén với diện tích 30ha, năng suất bình quân 32 tạ/ha; chăn nuôi bò, trâu, mô hình chăn nuôi dê, nuôi gà ta… đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân có thu nhập ổn định.

Về ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) - thương mại dịch vụ (TMDV) cũng đang được địa phương đẩy mạnh. Với các ngành nghề đan lát mây tre, nhựa, giày da, may mặc, chế biến thủy sản, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hoạt động tương đối có hiệu quả. Điểm sáng của xã trên lĩnh vực TMDV là khu vực chợ Quán Gò, tập trung hàng trăm hộ kinh doanh buôn bán, đã giải quyết vấn đề việc làm và cho thu nhập cao.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, TMDV mà kinh tế của xã Bình An luôn tăng trưởng ổn định trong thời gian qua. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 14 triệu đồng so với thời điểm công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015), hộ nghèo giảm còn 3,38 % (2018).