Hồ cạn
Theo kế hoạch, tổng diện tích canh tác vụ đông xuân trên cả nước vào khoảng 3 triệu ha.
Điều đáng lo ngại là hiện nay, dung tích trữ nước ở các hồ chứa thủy điện khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ đều rất thấp, dưới dung tích thiết kế (DTTK).
Khảo sát của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho thấy, dung tích trữ nước của các hồ ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ rất thấp, đạt trung bình 62,2% DTTK, thiếu hụt từ 12-46% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự kiến, đến thời gian bắt đầu các đợt xả nước, dung tích trữ các hồ đạt trung bình 58% DTTK (tương đương khoảng 9,51 tỷ m3 nước, thấp hơn 7,3 tỷ m3 so với năm 2018-2019). Năm nay nguồn nước tại các hồ chứa thượng nguồn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đang thiếu hụt hơn 7 tỷ m3 so với cùng kỳ nhiều năm.
Riêng các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang - những hồ cung cấp nước trực tiếp cho nông nghiệp các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đang thiếu hụt 4 tỷ m3 nước nên sẽ rất khó khăn trong công tác đổ ải.
Theo kế hoạch, diện tích sản xuất toàn vùng Bắc Trung Bộ trong vụ đông xuân 2019-2020 là 560.000ha, trong đó có 352.000ha lúa và 208.000ha màu. Tuy nhiên, hiện tại các hồ đang trữ lượng nước đạt trung bình 66-96% so với DTTK; các tỉnh đang có dung tích trữ thấp là Thanh Hóa (66%), Thừa Thiên - Huế (76%). Trong đó, một số hồ chứa lớn đang có dung tích trữ thấp như hồ Cửa Đạt (đạt 61%), hồ Tả Trạch (78%)… Các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý cơ bản đầy hồ.
Nước Sông Đà đoạn thuộc thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) rút mạnh khiến nhiều thuyền bè, lồng nuôi cá... mắc kẹt vì người dân không kịp di chuyển. (ảnh: Hà Hoàng)
Tổng cục Thủy lợi nhận định, vụ đông xuân 2019-2020 vùng Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra hạn nhẹ ở một số nơi, diện tích có nguy cơ hạn hán thiếu nước khoảng 4.500-9.000ha; trong đó tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa (3.250-3.750ha), Nghệ An (1.000-5.000ha) và Thừa Thiên - Huế (250ha). Trong đó khoảng 3.500ha thuộc vùng các công trình nhỏ (hồ Mậu Lâm, Bằng Lợi, Đồng Phú, Trưa Vần, Quèn Kìn, Xóm Yên và Bai Ngọc…), trạm bơm Hoằng Khánh, Hậu Lộc... ở Thanh Hóa; hệ thống Nam Hưng Nghi ở Nghệ An; còn lại 1.500-4.500ha thuộc vùng ngoài công trình.
Tại khu vực Nam Trung Bộ, hiện tại dung tích trữ các hồ thủy lợi đạt 49 - 100%. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên xu thế cao hơn TBNN; trong khi các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận thấp hơn TBNN từ 15-20%, chỉ cao hơn so với năm hạn nặng 2015 từ 6-9%. Trước nguy cơ này, một số khu vực, tỉnh có khả năng xảy ra kịch bản hạn nhẹ, hạn (cục bộ) vụ Đông xuân và hạn vừa đến hạn nặng trong vụ hè thu 2020.
Đặc biệt, tình trạng thiếu nước trong vụ hè thu khả năng xảy ra, mức độ tùy thuộc vào tình trạng nắng nóng và việc phân phối nước từ các hồ chứa (dành nước cho vụ hè thu).
Hiện, các hồ chứa thủy điện tham gia điều tiết nước cho hạ du có dung tích hữu ích tương đối thấp dù đã cuối mùa mưa. Nhiều hồ dung tích thấp hơn cả năm hạn nặng 2015: hồ A Vương đạt 22% dung tích hiệu dụng; hồ Đăk Đrinh đạt 59% dung tích hiệu dụng. Vùng thượng nguồn sông Kôn và sông Ba, có nhiều hồ thủy điện có dung tích trữ rất thấp: Hồ Kanak đạt 13% dung tích hiệu dụng, hồ Đại Ninh đạt 38% dung tích hiệu dụng. “Các tỉnh có nguy cơ hạn hán trong khu vực là Ninh Thuận và Bình Thuận” - Tổng cục Thủy lợi cảnh báo.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Tình hình nước cho vụ đông xuân căng thẳng đến mức Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị Bộ NNPTNT phải công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán, chủ động lấy nước đảm bảo gieo cấy vụ đông xuân 2019-2020. Đặc biệt là lắp đặt các trạm bơm dã chiến để có thể bơm lấy nước từ sông Hồng không phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện cũng như giảm số ngày xả lấy nước đợt 2 và trong đợt 3 chỉ duy trì mực nước tại Hà Nội như điều kiện vận hành bình thường.
Theo EVN, hiện các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đang thiết hụt 7,2 tỷ m3, trong đó 3 hồ chứa trực tiếp tham gia xả nước thiếu hụt 3,7 tỷ m3.
Hiện các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đang thiết hụt 7,2 tỷ m3, trong đó 3 hồ chứa trực tiếp tham gia xả nước thiếu hụt 3,7 tỷ m3. Hồ Hòa Bình chỉ đạt 54% dung tích hữu ích. Sau 3 đợt xả phục vụ đổ ải, hồ Hòa Bình sẽ chỉ còn 8% dung tích hữu ích, hồ Tuyên Quang còn 8,4%,... dưới mực nước chết. |
Theo EVN, hiện hồ Hòa Bình chỉ đạt 54% dung tích hữu ích. Dự kiến, sau 3 đợt xả phục vụ đổ ải tới đây, hồ Hòa Bình sẽ chỉ còn 8% dung tích hữu ích, hồ Tuyên Quang còn 8,4%..., coi như về mực nước chết.
Trong khi đó, để bảo đảm đủ nước sản xuất vụ xuân 2020, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng phương án chi tiết ứng phó với mực nước sông Hồng hạ thấp; trong đó, chú trọng giải pháp xây dựng các trạm bơm lấy nước ở cột nước thấp, lắp đặt trạm bơm dã chiến…
Trong tổng số diện tích gieo cấy của Hà Nội, có 30.000ha khó khăn trong lấy nước. Hà Nội đang tính toán để chuyển đổi cây trồng sang loại cây ít cần đến nước hơn.
Trong khi đó, các địa phương của tỉnh Ninh Thuận cũng triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán trong vụ Đông xuân 2019-2020. Căn cứ lượng nước tại các hồ, huyện Ninh Phước dự kiến xuống giống 7.493ha, trong đó diện tích lúa 4.288ha chủ động nước từ hệ thống tưới kênh Nam; ngô 986ha; rau đậu các loại 1.646ha. Chuyển đổi, luân canh cây trồng vụ đông xuân gắn với liên kết doanh nghiệp 70ha từ đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang các loại cây trồng ít sử dựng dụng nước tưới như: Ngô, cỏ, táo, nho tại các xã.
Để có kế hoạch dài hạn chống hạn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học, môi trường để tính toán phương án xây dựng đập dâng trên sông Hồng tại khu vực cống Xuân Quan (Hưng Yên) và cống Long Tửu (Hà Nội).
Việc xây dựng đập dâng này sẽ giúp hồi sinh hệ thống sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Đáy nhờ có dòng chảy tự nhiên. EVN cũng không cần xả nước tăng cường từ các hồ chứa thủy điện để phục vụ sản xuất vụ đông xuân như hiện nay. Nếu không làm đập dâng thì dự kiến năm 2022, các hồ thủy điện có xả hết các cửa, mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội cũng chỉ được 1,8m.