Hội thảo chuyên đề: “Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách” do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam vừa tổ chức sáng nay (26/12), nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản nông nghiệp Việt Nam là một bộ phận của thị trường bất động sản Việt Nam. Do đó, cần dần xây dựng được các khái niệm về bất động sản nông nghiệp và thị trường bất động sản nông nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp:
Doanh nghiệp nông nghiệp tăng cao
Năm 2019, nông nghiệp có nhiều điểm sáng nổi bật: đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Ở cấp quốc gia đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu), 8 khu khác đang trong quá trình hoàn thiện đề án. Cấp địa phương có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận… Hiện cả nước có 45 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chia sẻ về sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, những xu hướng gần đây ghi nhận đang có sự dịch chuyển cơ cấu chức năng ruộng đất; Tư duy và cách tiếp cận về quyền sở hữu ruộng đất thay đổi; Xu hướng phát triển các chuỗi sản xuất toàn cầu trong nông nghiệp; Tác động của thị trường (thị trường thế giới) đến cấu trúc chức năng và quyền tài sản trong nông nghiệp: đồi hỏi quy mô lớn, tự chủ - linh hoạt; Xuất hiện một nhân vật chủ thể quan trọng nhất của nền nông nghiệp hiện đại: doanh nghiệp.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao.
Cũng theo ông Thiên, những năm qua, các chủ thể phát triển nông nghiệp đã có sự phát triển. Năm 2019, số DN nông nghiệp tăng mạnh, thành lập mới hơn 2.750 DN, tăng 25% so 2018, Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tăng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như Vinamilk, TH, Đồng Giao, Nafoods, Dabaco, Masan, Thaco, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…
Đồng quan điểm với ông Thiên, GS. TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam đang có tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển. Khảo sát ở 3.700 hộ dân tại 12 tỉnh, thành trên cả nước có 16,6% số hộ thực hiện giao dịch bán đất nông nghiệp, trong khi đó chỉ có 7,1% số hộ thực hiện giao dịch cho thuê.
Về nguồn cung cho thị trường, tính đến thời điểm hiện nay, trong tổng số 27,3 triệu ha đất nông nghiệp, Nhà nước đã giao quyền sử dụng khoảng 90% (tức khoảng 24,4 triệu ha) cho các đối tượng sử dụng cụ thể. Điều đó cho thấy nguồn cung sơ cấp (Nhà nước giao) chỉ còn khoảng 10% nên hầu như không có vai trò quyết định.
Sớm “định danh” bất động sản nông nghiệp
Thực tế, khái niệm về thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng, thiếu tính nhất quán; nguồn lực tài sản đất đai, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường; cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp nói chung và cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều bất cập…
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên dẫn đến kết quả thực hiện chủ trương lớn của Đảng - Nhà nước về phát triển nông nghiệp còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam; chưa huy động được hết được nguồn lực và nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp của các thành phần kinh tế.
Tháo gỡ pháp lý để phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp.
Theo ý kiến của ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ các địa phương xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung thông qua phân bổ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.
“Sau nhiều năm hầu như không có sự tiến bộ đáng kể nào trong tiếp cận đất đai. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải "tự bơi" khi muốn mở rộng mặt bằng cho sản xuất - kinh doanh”, ông Chiến nói.
Trên thực tế, Luật Đất đai năm 2013 gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện, nhất là về gia tăng khả năng tích tụ đất đai. Bởi tổ chức kinh tế phi nông nghiệp không được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, việc sử dụng cũng đang bị giới hạn do mức hạn điền, gây không ít cản trở cho sự phát triển thị trường sử dụng đất đai.