Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Trong đó, hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do Bộ Công Thương chủ trì đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hoạt động cấp C/O của ta hiện nay?
Một trong những thành tựu điển hình của công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế là việc Việt Nam trở thành thành viên WTO và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Khi Việt Nam tham gia các FTA, điều này có nghĩa là thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng và tăng khả năng cạnh tranh do được hưởng ưu đãi thuế quan trong các khu vực thương mại tự do.
Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong từng Hiệp định hay phải được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O).
Vì vậy, C/O được coi là “giấy thông hành” cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan. Để đáp ứng các quy định này, doanh nghiệp phải tổ chức lại quy trình sản xuất, cơ cấu lại nguồn cung nguyên liệu để đảm bảo thỏa mãn các tiêu chí đã đề ra.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại gia tăng như hiện nay, C/O còn là công cụ phòng chống gian lận xuất xứ, ngăn ngừa các nước thứ ba lợi dụng danh nghĩa hàng Việt Nam để hưởng lợi không chính đáng. Do vậy, C/O vừa là tác nhân tạo thuận lợi cho xuất khẩu, vừa là công cụ đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, số lượng C/O ưu đãi trong 5 năm vừa qua tăng khoảng 20-25% mỗi năm, từ 323 nghìn bộ năm 2013 lên đến 900 nghìn bộ năm 2019. Trong đó, C/O Mẫu D (cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi các nước ASEAN) tăng từ 66 nghìn bộ năm 2013 lên khoảng 180 nghìn bộ năm 2019.
Những con số này cho thấy C/O đóng vai trò ngày càng quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đó cũng là lý do tại sao hoạt động cấp C/O luôn được Bộ Công Thương quan tâm sát sao.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
Xin Bộ trưởng cho biết thêm, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã thực hiện những cải cách đối với thủ tục cấp C/O như thế nào?
Hoạt động cấp C/O luôn được Bộ Công Thương quan tâm và đưa vào chương trình cải cách thủ tục hành chính của Bộ từ rất sớm. Với mong muốn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, hoạt động này đã được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) điện tử hóa vào năm 2004 thông qua Hệ thống Quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (eCoSys).
Tiếp đó đến năm 2014, khi Việt Nam bắt đầu triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia (VNSW) và tham gia Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW), hoạt động cấp C/O cũng được đưa vào như những thủ tục hành chính tiên phong của Bộ Công Thương tham gia các cơ chế này. Hiện nay, hoạt động cấp C/O cũng là một trong hai thủ tục đầu tiên của Bộ Công Thương tham gia Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia.
Thời gian cấp C/O cũng liên tục được rút ngắn, từ thời gian vài ngày trước đây, nay chỉ trong khoảng thời gian 4 - 6 tiếng, nhiều trường hợp có thể rút ngắn hơn.
Bộ Công Thương đã ban hành quy định phân luồng đối với hồ sơ C/O, qua đó các doanh nghiệp chấp hành tốt, không có vi phạm được đưa vào Luồng Xanh và được tạo thuận lợi nhiều hơn trong việc xét duyệt hồ sơ.
Ngược lại, những doanh nghiệp có vi phạm bị đưa vào Luồng Đỏ thì sẽ phải theo dõi chặt, áp dụng quy trình kiểm tra thực tế để ngăn ngừa khả năng gian lận về xuất xứ hàng hóa.
Bộ Công Thương cũng đang tiến hành thí điểm cho phép tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tự chứng nhận đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU được hưởng quy chế GSP. Đây là những bước tiến cải cách mạnh mẽ, tạo thêm nhiều thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có FTA.
Vì sao đến nay, việc điện tử hóa thủ tục cấp C/O Mẫu D mới được thực hiện, trong khi 5 năm trước, Việt Nam đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN?
Vào năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2412/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2016 về cấp C/O Mẫu D điện tử. Tại thời điểm đó, do các nước ASEAN vẫn duy trì thủ tục cấp C/O giấy nên thủ tục này vẫn chưa được điện tử hóa hoàn toàn. Theo đó, thương nhân xuất khẩu đề nghị cấp C/O Mẫu D nộp hồ sơ, chứng từ điện tử nhưng C/O vẫn được cấp dưới dạng bản giấy.
Từ sau năm 2017, ASEAN đã có những bước tiến mạnh mẽ trong vấn đề này. Một số nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei và Campuchia đã thực hiện việc cấp C/O Mẫu D điện tử hoàn toàn.
Nắm bắt được xu hướng đó, để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, với quyết tâm tạo ra bước cải cách mạnh mẽ trong công tác cấp C/O, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đã khẩn trương tiến hành các công tác chuẩn bị để có thể chuyển hoàn toàn sang cấp C/O Mẫu D điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu đi 6 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei và Campuchia.
Ngày 9/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3624/QĐ-BCT về việc ban hành Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D điện tử hoàn toàn. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi!