Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre về kinh nghiệm trong chăm sóc cây có múi trong bối cảnh đối phó với xâm nhập mặn.
Phóng viên:
-Nông dân làm gì để chăm sóc, bảo vệ cây bưởi da xanh lúc này, thưa ông?
Ông Huỳnh Quang Ðức:
Chúng tôi hết sức quan ngại vì mặn đến sớm và có khả năng kéo dài. Bưởi da xanh là loại cây cho trái rải đều trong năm, nhưng tập trung trước, trong và sau Tết. Sau Tết thì sản lượng nằm nhiều ở tháng 3-2020. Thu hoạch nhiều trong tháng 12-2019 đến tháng 3-2020. Do đó, quản lý vườn bưởi như thế nào để giảm thiệt hại do mặn gây ra là điều rất cần người dân chú ý lúc này.
Trước tiên là không dùng những biện pháp neo trái kéo dài chờ giá như mọi năm. Bưởi vừa đủ độ chín và đạt tiêu chuẩn thương mại thì nên mạnh dạn xuất vườn, cung ứng ngay cho thị trường.
Thời điểm này bưởi ra hoa rất nhiều, nếu giữ hoa, giữ trái nhiều thì không tốt, nên tỉa bớt hoa và trái để tránh ảnh hưởng tới cây. Bà con không nên sợ sản lượng bưởi cả năm mình không đạt, vì bưởi thì có nhiều đợt ra hoa, tỉa đợt né mặn thì sẽ có đợt hoa khác.
Thi công cống ngăn mặn trữ ngọt bảo vệ bưởi da xanh xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre. Ảnh: T.Thảo.
Biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ cây bưởi đi qua mùa mặn?
- Biện pháp đậy gốc được cho là hết sức hữu hiệu trong điều kiện ảnh hưởng mặn hiện nay. Có thể che đậy gốc bằng lá dừa, vật liệu khô, cỏ khô, tận dụng thảm cỏ tự nhiên để giữ độ ẩm cho cây.
Không nên sử dụng những loại phân mà nó tạo ra nhiều bộ lá mới, như: không sử dụng phân có nhiều đạm để tạo tược mới, vì đạm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cây khi cây đang phải đề kháng với mặn.
Bổ sung các loại phân tăng khả năng chống chịu cho cây như phân lân, phân kali. Ðặc biệt là sử dụng các loại phân hữu cơ ủ hoai kết hợp với đậy gốc để duy trì ẩm độ đất và tăng khả năng đề kháng của cây.
Những trái bưởi đã lớn trong thời kỳ bị ảnh hưởng mặn chuẩn bị thu hoạch thì cũng tỉa bỏ bớt những trái không đạt chuẩn, ưu tiên để lại trái đạt chuẩn, giảm bớt khả năng cây phải nuôi trái nhiều, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng của cây trước mặn.
-Khi tưới nước cho cây bưởi, độ mặn bao nhiêu thì an toàn?
- Cố gắng duy trì những cây che bóng mát trong vườn như: dừa, chuối, so đũa. Theo dõi thường xuyên độ mặn của nước do ngành chức năng thông báo. Chỉ tranh thủ tưới khi độ mặn xấp xỉ 1‰, tưới bằng phương pháp tưới ẩm vào đất, không được tưới lên thân cây, lá cây.
Trong điều kiện bưởi khô nhiều thì tưới bổ sung nhưng chỉ được tưới thấm vào đất, chứ không tưới phun lên thân - đó là biện pháp cầm cự, đậy gốc 5 - 6 tháng cây không chết, cây chỉ “đứng” lại, việc phục hồi rất dễ. Còn tưới nước mặn thì cây sẽ bị nhiễm độc mặn, rất khó cứu. Biện pháp đậy gốc cũng có thể áp dụng hiệu quả đối với các cây trồng khác, đặc biệt như sầu riêng, chôm chôm.
Khi đo độ mặn thì mình chỉ đo được tầng nước mặt, nhưng ở tầng nước phía dưới nó mặn hơn nhiều do tỷ trọng nước mặn chìm xuống dưới; vả lại độ mặn trên một dòng sông cũng khác nhau, rất khó để khuyến cáo đo độ mặn như thế nào để tưới. Do đó, chúng tôi khuyến cáo là không tưới nước mặn, kinh nghiệm từ đợt mặn năm 2016, cho thấy, việc đậy gốc, giữ mát vườn và trữ nước trong vườn là biện pháp quyết định để duy trì và phục hồi vườn cây sau này.
-Xin cảm ơn ông!