Trương Anh Chính - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Mỹ không giấu sự tự hào khi nói về vùng kiệu quê anh. Anh bảo: Sơn Mỹ là vùng bán sơn địa. Địa hình của xã dốc về phía biển. Mưa lớn thường làm trôi chất màu mỡ trong đất ra biển nên bao nhiêu năm qua nói đến Sơn Mỹ là nói đến nơi đất đai bạc màu.
Ông Võ Văn Sử - Chủ nhân của 6ha kiệu.
Chỉ 2 loại cậy trồng sống được là keo lá tràm và cây điều. Cây lúa và cây lương thực khác, chiếm diện tích rất khiêm tốn ở địa phương này, dù rằng, người Sơn Mỹ đa số là người Quảng Trị gốc, vốn chịu thương chịu khó, nhất là việc đồng áng.
Vì lẽ vậy, thời gian rất dài người dân Sơn Mỹ rất nghèo. Sự khá giả mới xuất hiện những năm gần đây, khi mà người dân trong cái khó, cái khổ nghĩ ra cách vượt khó bằng trồng rừng, nuôi tôm và bằng trồng kiệu luân canh.
Năm 2010, những người nông dân ở đây được Công ty Vũ Lâm, thông qua hợp tác với UBND xã tập huấn cách trồng rau an toàn, trong đó có cây kiệu. 15 người trồng kiệu đầu tiên trong xã vì muốn hỗ trợ nhau về kỹ thuật canh tác, tự nguyện thành lập tổ sản xuất kiệu ít lâu sau đó. Năm 2017, tổ sản xuất thêm 10 thành viên… và dĩ nhiên diện tích kiệu cũng được mở rộng.
“Tính đến tháng 12/2019, xã tôi có 120 ha kiệu, nhiều nhất ở thôn 3. Mùa kiệu bắt đầu từ tháng 8 dương lịch. Đó là thời điểm thu hoạch xong một số cây trồng ngắn ngày như đậu phộng. Trên đất trồng đậu phộng, dân tiếp tục trồng kiệu. Ngoài ra, có một số diện tích chuyên trồng kiệu tại vùng cát ven biển, những nơi có thể tưới” - Trương Anh Chính, tiếp.
Tuy nhiên, vì là cát ven biển nên nông dân tốn rất nhiều công cải tạo, thành đất trồng kiệu, trong đó có việc chở mùn từ nơi khác tới, làm tăng độ mùn cho đất…
Để tôi “mục sở thị”, Chủ tịch Hội Nông dân xã đồng ý đưa tôi đến nơi trồng kiệu. Chúng tôi theo con đường đất đỏ ra biển, rồi đi băng trên những ngọn đồi cát nhấp nhô trong nắng trưa. Và rồi sau khi vượt lên ngọn đồi cao, chúng tôi đổ xuống một thung lũng ngằn ngặt màu xanh hơi hoe vàng của một loại cây trồng.
Đó là những đám ruộng kiệu. Kiệu trồng theo luống. Mỗi luống rộng 1m, dài vài chục mét. Luống nọ cách luống kia cũng chừng 1m. Lúc này đang vào mùa thu hoạch, nên trên từng đám ruộng khá đông phụ nữ. Họ lặng lẽ làm việc.
Trương Anh Chính giới thiệu tôi với 2 người đàn ông đang trao đổi gì đó tại đám kiệu đầu tiên. Đó là anh Tạ Văn Đức, Tổ trưởng hợp tác sản xuất kiệu và người kia là anh Võ Văn Sử, chủ nhân của 6 ha kiệu.
Anh Sử nói với anh Đức: “Vừa rồi mua giống giá 32.000 đồng/kg. Để giống khỏe mạnh, tôi treo giống trên giàn khoảng 20 ngày thật khô. Mỗi ha xuống 3 tấn giống. Nhờ phòng bệnh tốt, chắc chắn mỗi ha được 12 tấn kiệu...”. “Giá hiện nay 40.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, ông lãi 150 triệu đồng/ha” - anh Đức chen vào.
Trước sự ngạc nhiên về mức lãi của tôi, anh Sử giải thích: “Nhưng để được mức lãi cao đó là bao nhiêu nhọc nhằn. Khi kiệu được 3 tuần tuổi (4 - 5 lá) phải lo phun thuốc trừ sâu dòi. Kiệu lớn lên một chút, thấy mưa lo đất nê nước phải đội mưa đào rãnh thoát nước. Mưa lớn quá sợ kiệu giập lá, suy thân cây, ảnh hưởng đến củ. Anh Đức không biết chứ nhiều đêm mưa, tôi che chòi thức trắng giữa đồng kiệu bởi bao vốn liếng bỏ hết vào đó”.
Trò chuyện với người trồng kiệu, chúng tôi cảm nhận, trong họ có nỗi lo vào những ngày tới kiệu xuống giá bởi kiệu từ miền Tây đưa lên. Có năm, kiệu xuống còn 30.000 đồng/kg, lại rất khó tiêu thụ vì kiệu ở chợ đầu mối quá nhiều.
Anh Võ Văn Sử, nói: “Kiệu Sơn Mỹ trồng trên đất cát pha nên đạt được độ trắng, độ giòn cần thiết. Nhưng không thể không lo. Thắc thỏm lắm. Có đêm đâu ngủ được! Vì vậy, chúng tôi tập trung sức thu hoạch trong những ngày tới đây. “Bồ lúa sớm hơn đồng lúa muộn”. Giá như hiện nay là chấp nhận được… nên bán được số nào là bán thôi”. |