Dân Việt

Ninh Bình: Đếm tiền từ thứ cây tốt vù vù, lấy củ trắng làm thuốc

Phạm Anh 29/12/2019 06:30 GMT+7
Nhiều năm qua cứ sau mỗi vụ lúa mùa, nhiều hộ dân ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) tận dụng chân ruộng của gia đình để trồng cây trạch tả làm dược liệu và đem lại một nguồn thu nhập không hề nhỏ. Thời điểm này trên nhiều cánh đồng của Yên Khánh bạt ngàn một màu xanh đặc trưng của cây trạch tả.

img

 Bà Phạm Thị Thắm, xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình bên ruộng trạch tả của gia đình.

Trải qua nhiều năm, trạch tả-loại cây dược liệu này đang khẳng định được hiệu quả kinh tế mang lại và được ví “như vụ lúa thứ 3” trong năm của nhiều hộ nông dân huyện Yên Khánh.

Cây trạch tả tên khoa học là Alisma plantago aquatica L. – một loại thực vật có hoa được dân gian gọi với cái tên phổ biến là mã đề nước. Cây có chiều cao trung bình dao động từ 0,3 -1 m, không có lông, rễ trắng, củ cũng trắng mang hình cầu hoặc hình con quay. Đây là một cây dược liệu quý có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người và có giá trị kinh tế cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, cây trạch tả sinh trưởng và phát triển tốt trên đất 2 lúa, đặc biệt có thể tận dụng được diện tích đất nông nghiệp để trống giữa vụ mùa và vụ đông xuân tiếp theo. Nắm bắt được những đặc điểm này, nhiều năm nay bà con ở nhiều xã thuộc huyện Yên Khánh đã tranh thủ trồng thêm cây trạch tả nhằm kiếm thêm thu nhập.

img

 Nghề trồng cây trạch tả đang mang lại thu nhập cao cho bà con ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình.

Gia đình bà Phạm Thị Thắm (60 tuổi) ở xóm 10, xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, Ninh Bình bắt đầu trồng cây trạch tả từ năm 2015.

Ban đầu do chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng trạch tả và đầu ra nên gia đình bà Thắm chỉ trồng với diện tích khoảng 5 sào. Sau đó, nhận thấy đây là một loại cây dễ trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nên gia đình bà tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, sau gần 5 năm, diện tích trồng cây trạch tả của gia đình bà Thắm đã mở rộng lên đến hơn 50 sào (gần 2ha).

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, Bà Phạm Thị Thắm cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi cây trạch tả phát triển tốt. Đặc biệt, năm nay lái buôn thu mua củ trạch tả với giá cao, lượng thu mua lớn. Mọi năm, các lái buôn chỉ thu mua củ trạch tả đã sấy khô nhưng năm nay, họ thu mua cả củ trạch tả còn tươi. Giá củ trạch tả tươi là 10.000 đồng/kg, giá củ trạch tả khô dao động từ 30- 35.000 đồng/kg (loại thành phẩm). Sau khi trừ chí phí, lợi nhuận gia đình bà Thắm thu về là khoảng 100 triệu đồng.

img

 Diện tích trồng cây trạch tả ở Ninh Bình chủ yếu ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn...

Cũng giống như cây lúa, cây trạch tả được cấy từ cây con. Hạt được gieo từ giữa tháng 9, sau khoảng 30 - 35 ngày là có thể nhổ lên đem cấy với mật độ 8 - 10 cây/m2. Thời vụ cấy cây trạch tả từ ngày 28-30/9, thời gian sinh trưởng của cây trạch tả khoảng 120 ngày.

Đến nay, sau hơn 2 tháng, cây trạch tả sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến thu hoạch vào đầu tháng 1/2020. Khi thu hoạch, củ trạch tả được đào lên, cắt phần lá, rửa sạch đưa vào sấy khô. Về hiệu quả kinh tế tính trên 1 vụ, cây dược liệu trạch tả cho thu lợi nhuận gấp đôi so với cây lúa. Với giá thu mua từ 30- 35.000 đồng/kg khô, sau khi trừ chi phí, mỗi sào thu lợi nhuận gần 2 triệu đồng, tương đương 50 triệu đồng/ha.

img

Cận cảnh củ trạch tả khi được thu hoạch.

Bên cạnh đó, trồng và chăm sóc cây trạch tả không khó, khá tương tự việc trồng lúa nhưng ít tốn công chăm sóc hơn do loại cây này hầu như không có sâu bệnh.

Cũng giống như gia đình bà Thắm, gia đình ông Vũ Văn Nghĩa (57 tuổi) ở xóm 8, xã Khánh Thủy, huyện yên Khánh cũng tận dụng ruộng 2 lúa để trồng thêm cây trạch tả. Hiện gia đình ông Nghĩa đang trồng hơn 2ha cây trạch tả, ước tính sản lượng thu về hơn 8 tấn củ khô.

Theo tính toán của ông Nghĩa, chi phí đầu tư trồng 1 sào cây trạch tả chỉ từ 1,3 - 1,5 triệu đồng, sau 4 tháng bà con có thể thu hoạch, năng suất đạt 1,4 - 1,6 tạ củ khô/sào, với giá bán 20.000 đồng/kg khô (loại chưa thành phẩm) , sau khi trừ chi phí ông có lãi 1.5 triệu đồng/sào.

img

 Sản phẩm trạch tả sau khi được bà con sấy khô mới đưa ra thị trường.

Ông Nghĩa tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, cây trạch tả thích nghi rộng ở điều kiện khí hậu, đất đai nhiều vùng. Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ưa chân ruộng trũng có bùn sâu, nhiều màu (như chân ruộng chiêm, ven hồ, ao đầm). Cây trạch tả ít bị sâu bệnh, thời gian từ khi ươm giống đến khi thu hoạch từ 3 đến 4 tháng, rất thích hợp để trồng trên đất hai vụ lúa.

Trạch tả là cây thuốc Nam, trong y học cổ truyền được sử dụng để chữa một số bệnh như: lợi tiểu, chống đông máu, hạ đường huyết...

Các nghiên cứu gần đây còn phát hiện trạch tả là một vị thuốc quý có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gút, giúp bệnh nhân thoát khỏi những đợt đau cấp và hỗ trợ phục hồi chức năng gan, thận, lưu thông máu nên rất được thị trường ưa chuộng. 

Cây trạch tả bắt đầu được trồng tại Ninh Bình từ năm 2006, tuy nhiên diện tích cây trạch tả ở đây có sự biến động lớn qua các năm do ảnh hưởng của đầu ra sản phẩm không ổn định. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013 - 2017, diện tích cây trạch tả dao động từ 84,6 – 197 ha,

Trong năm 2017, toàn tỉnh Ninh Bình có diện tích trồng cây trạch tả khoảng 170 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và một số xã ở Gia Viễn, thành phố Ninh Bình. Năng suất cây trạch tả tại Ninh Bình đạt từ 2,5 – 3 tấn củ khô/ha, sau khi trừ chi phí có thể thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng/ha.