Làng nghề bún - bánh An Thái có trên 150 cơ sở sản xuất trong diện được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều năm trở lại đây, địa phương đang tập trung quảng bá thương hiệu, sản phẩm ra thị trường bên ngoài, đặc biệt là dòng bún Song Thằn – bún đặc sản ở An Thái.
Làng An Thái được biết đến là vùng đất võ nổi tiếng, lưu truyền như: Roi Thuận Truyền, quyền An Thái…Ngoài ra, vùng quê này cũng được biết đến bởi sản vật gia truyền bún Song Thằn mà hiếm nơi nào có được.
Từ xa xưa, bún Song Thằn làng An Thái đã quen thuộc trong câu ca "Nón ngựa Gò Găng/Bún Song Thằn An Thái", chính điều này đã góp phần làm nên ẩm thực độc đáo, đặc trưng của nơi “đất võ, trời văn” Bình Định.
Gia đình ông Võ Văn Tâm (67 tuổi, làng An Thái) có 5 đời làm nghề bún và bánh, có cả bún Song Thằn. Thế hệ này nối thế hệ khác để giữ nghề, ngày cuối năm, bún làm ra bán thường xuyên "cháy hàng", ông Tâm phải kêu con cháu, thuê nhân công để đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng
Nhờ vào nghề làm bún, nhiều hộ gia đình ở làng An Thái khấm khá, có tiền nuôi con ăn học.
Bún Song Thằn (làm thành từng tấm hình vuông mỗi cạnh 30cm, phơi khô) nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao. Theo cư dân địa phương, sở dĩ có tên gọi “Song Thằn” vì khi làm bún, người thợ thường bắt dây bún từng đôi một, nhiều người đọc thành bún "song thằn". Còn có nhiều thông tin rằng, dưới thời phong kiến, các quan lại địa phương đều mang theo bún Song Thằn tiến lên vua nên còn được gọi là bún tiến vua.
Làng bún rộn ràng vào dịp Tết.
Ngoài sản xuất bún Song Thằn, người dân làng An Thái còn tập trung mở rộng làm các loại bún khô, bún gạo bột mù, bánh phở, bánh tráng…
Bún được gói ghém cẩn thận, chuẩn bị xuất bán ra thị trường.
Các loại bún, bánh của người dân làng An Thái làm ra đều được thực khách ưa chuộng .