Xả nước đổ ải, hồ Hòa Bình cách mực nước chết 3,17m
Vụ đông xuân 2019 - 2020, mực nước 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang xuống thấp chưa từng có, dự kiến chỉ đạt 61% dung tích thiết kế (tương đương khoảng 10 tỷ m3 nước, thấp hơn 6,8 tỷ m3 so với vụ đông xuân năm 2018 - 2019). Đặc biệt, từ khi vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình, chưa có năm nào nước về lại kém như năm nay, chỉ đạt 56%.
Trạm bơm dã chiến Phù Sa vận hành trong nhiều năm liền. Ảnh: K.L
"Hiện nay, chúng ta có 14 trạm bơm lấy nước dọc sông Hồng. Trong 14 trạm bơm có 7 trạm bơm đã hạ cốt, hạ cấp, rồi đầu tư trạm bơm dã chiến nên chỉ cần EVN phát điện bình thường là có thể chủ động lấy nước được trong mọi tình huống; 7 trạm còn lại, hiện nay chúng ta đang chuẩn bị đầu tư 4 trạm nữa cho trung hạn giai đoạn tới”. Thứ trưởng Bộ NNPTNT |
Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên, trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên cả Bộ trưởng và Thứ trưởng phục trách lĩnh vực NNPTNT đã trực tiếp dự, chỉ đạo, điều hành lấy nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân 2019-2020 khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
“Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi dù khó khăn thế nào cũng phải đáp ứng được 2 yêu cầu: Thứ nhất, đảm bảo 100% diện tích cấy của bà con trong khung thời vụ của Bộ. Thứ hai, điều hành tiết kiệm nhất nguồn nước” - ông Nguyễn Văn Tỉnh- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nói.
Năm nay, tổng diện tích gieo cấy vụ đông xuân các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc Bộ vào gần 530.000ha, trong đó có 430.000 trực tiếp lấy nước từ hệ thống 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang với tổng số khoảng 4,3 tỷ m3.
Để tiết kiệm nước, phục vụ đổ ải, ngay từ tháng 10/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải vận hành tăng cường các nhà máy điện chạy bằng dầu với chi phí cao hơn rất nhiều các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, mực nước tại các hồ thủy điện vẫn chưa có gì cải thiện đáng kể. “Thống kê của hệ thống vận hành điện, lượng nước tích trong hồ chỉ có 24 tỷ m3 trong khi mọi năm tích được 35 tỷ m3, như vậy thiếu hụt 11 tỷ m3” - ông Trần Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết.
“Sau 3 đợt xả nước đổ ải như yêu cầu của Bộ NNPTNT, chúng ta chỉ còn cỡ 10% dung tích hữu ích ở trong 3 hồ thủy điện” - ông Ngô Xuân Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết. Theo đó, mực nước tại hồ thủy điện Hòa Bình giảm từ 101,6m về 83,17m, cách mực nước chết 3,17m, dung tích còn lại 342 triệu m3, tương đương 5,7% dung tích hữu ích.
Đề xuất chi 1.000 tỷ đồng để chống hạn
Sự căng thẳng về nguồn nước và yêu cầu đáp ứng đủ điện, đủ nước cho sản xuất đang là bài toán hóc búa đặt ra cho các bộ, ngành và 11 địa phương trong bối cảnh đáy sông bị hạ thấp.
Theo tính toán của Bộ NNPTNT, hiện có khoảng 11.000ha khó và rất khó lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy vụ đông xuân, trong đó có khoảng 7.400ha khó lấy nước và 3.700ha rất khó lấy nước. Trong đó, Hà Nội gặp không ít trở ngại.
“Khó khăn của TP.Hà Nội là diện tích lớn (dự kiến 120.000ha, trong đó 90.000ha lúa - PV), chênh lệch địa hình phức tạp, dẫn tới phải bơm 2-4 cấp mới tới ruộng… Tuy nhiên, nếu kịch bản dâng nước đúng kế hoạch của Bộ NNPTNT đưa ra, việc lấy nước không có khó khăn gì” - ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cam kết.
Trước bối cảnh lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy vụ đông xuân càng ngày càng khó khăn, nhiều địa phương đã bỏ ra hàng trăm tỷ để đầu tư mới, nâng cấp hoặc xây dựng các trạm bơm dã chiến. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Phú Thọ đã liên tục hạ thấp cao trình đặt máy của các trạm bơm lấy nước ven sông Lô, sông Chảy.
TP.Hà Nội cải tạo trạm bơm Trung Hà, xây dựng mới trạm bơm Đan Hoài và hiện đang xây dựng trạm bơm Thanh Điềm với tổng kinh phí 250 tỷ đồng. Tương tự, tỉnh Bắc Ninh xây dựng trạm bơm Yên Hậu, trạm bơm Phú Mỹ và hiện đang xây dựng trạm bơm Tri Phương.
Hàng năm tổng số tiền chi cho công tác chống hạn, lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy vụ đông xuân tiêu tốn ngót nghét 1.000 tỷ đồng. Khoản tiền này năm nay Bộ Tài chính đang yêu cầu làm rõ nội dung các khoản mục chi. Hiện nay, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ đang bàn thảo, thống nhất và dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào nội dung Nghị quyết trong phiên họp Chính phủ cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020.