Đổi thay ở xã bãi ngang
Trung Giang là một xã vùng biển bãi ngang của huyện Gio Linh, bà con nông dân chủ yếu sống bằng nghề đi biển, trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhiều năm trước đây do thiếu kiến thức và vốn đầu tư nên bà con nông dân chỉ nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ vài trăm con gà/lứa và nuôi theo kinh nghiệm truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao, gặp nhiều rủi ro trong dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện chủ trương của địa phương về mở rộng ngành nghề, đầu tư sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, các hộ nông dân đã liên kết Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Goldenstar chăn nuôi gà gia công nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, mang lại lợi ích kinh tế.
Trang trại nuôi gà thịt liên kết của hội viên Trần Duy Thành (thôn Cang Giáng, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho lợi nhuận ổn định.
Việc chăn nuôi gà kiên kết theo phương thức các hộ đầu tư xây dựng chuồng trại theo quy trình kỹ thuật của công ty hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp gà giống với chất lượng cao, tỷ lệ sống đạt 95%, cung cấp thức ăn công nghiệp. Trong thời gian nuôi, công ty cử cán bộ thú y, cán bộ kỹ thuật về tận trang trại thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chủ trại cách úm gà, cho gà ăn và thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại. Sau 10 ngày, gà hoàn toàn được chăm sóc bằng hệ thống máng ăn, nước uống tự động.
Với thời gian nuôi khoảng 60 ngày/lứa, mỗi con nặng khoảng 1,8 - 2kg trở lên là có thể xuất chuồng. Khi gà xuất chuồng, công ty bao tiêu toàn bộ và trả công cho người nuôi. Theo tính toán của bà con, với mức tiền công mà Công ty trả là 8.000 - 10.000 đồng/con gà, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa nuôi từ 3.000 - 8.000 con gà xuất chuồng cũng cho lãi từ 25 - 50 triệu đồng. Mỗi năm, các hộ nuôi từ 3 - 4 lứa, thu nhập khoảng 100 - 200 triệu đồng.
Nhờ đầu tư hệ thống máng ăn, nước uống, điều hòa nhiệt độ và cân bằng nhiệt tự động nên dù trang trại đang nuôi hàng nghìn con gà nhưng chỉ cần 1 - 2 lao động thường xuyên là có thể chăm sóc cho cả đàn gà.
Nông dân yên tâm sản xuất
Mô hình liên kết nuôi gà đã góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi ở địa phương phát triển theo hướng mở rộng quy mô hiệu quả. Đây đang là một hướng đi mới an toàn và bền vững của bà con nông dân trong phát triển kinh tế gia đình, cũng như góp phần thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế ở địa phương…”. Ông Bùi Quang Miêng |
Hiện nay, trên địa bàn xã Trung Giang có 6 hộ liên kết với các công ty để nuôi gà gia công. Việc liên kết giữa các trang trại và công ty giúp người dân tránh được những rủi ro trước tình hình giá cả biến động, dịch bệnh như hiện nay vì được các công ty bao tiêu sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Thành (ở thôn Cang Gián) chia sẻ, có công ty hỗ trợ kỹ thuật nên trong suốt quá trình nuôi gà hầu như không bị dịch bệnh, không có rủi ro gì. Làm trang trại chỉ khó khăn giai đoạn đầu tư vì cần vốn lớn, còn chăm sóc gà thì khá đơn giản vì đã được cán bộ thú y và kỹ thuật hướng dẫn thực hiện theo quy trình. Hơn nữa, chuồng trại cách ly hoàn toàn với bên ngoài nên hạn chế được dịch bệnh.
Theo ông Thành, vất vả nhất là khoảng 10 ngày đầu khi nhập gà con về, ngoài việc sưởi ấm đủ nhiệt cho gà còn phải thường xuyên cho ăn bằng thủ công vì gà quá nhỏ chưa ăn bằng máng ăn tự động được. Và để công ty chấp nhận ký hợp đồng liên kết, người chăn nuôi phải thực hiện các điều kiện như: Xây dựng chuồng trại xa khu vực dân cư, đầu tư trang thiết bị đúng tiêu chuẩn và bảo đảm yếu tố về môi trường, cách ly mầm bệnh…
Ông Bùi Quang Miêng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Giang cho biết thêm: Mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết này đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro; sắp tới, Hội sẽ vận động bà con nông dân tiếp tục đầu tư thêm trang trại để mở rộng đàn. Từ mô hình nhóm liên kết chăn nuôi gà ở Trung Giang đã góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nhỏ, lẻ thành kiểu sản xuất có liên kết với quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm. Người nông dân có thu nhập bền vững và ổn định, không phụ thuộc vào sự biến động của thị trường.