Dân Việt

Hết lũ, bắt lươn đồng nuôi trong bồn, bán 160-180.000 đồng/ký

Người nuôi lươn trong hồ xi măng và bồn lót bạt mùa nước nổi ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đang phấn chấn khi bắt lươn bán được giá cao.

Hồ nuôi lươn được thiết kế đơn giản bằng cách xây tường xi măng lên cao 1m trên một khoảng sân trống hình chữ nhật. Anh Nguyễn Văn Lừng nông dân ấp Bình Đức xã Bình Phú, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, xây dựng 5 cái hồ trên diện tích 120m2.

img

Mô hình nuôi lươn đồng trong bồn, hồ xi măng của gia đình ông Nguyễn Văn Lừng.

Phía đáy hồ, anh Lừng cho phủ một lớp bùn cao khoảng 10cm rồi bơm nước vào hồ và thả lươn giống vào nuôi. Bốn góc dưới đáy hồ, anh trang bị bốn bó cây dùng để thức ăn cho lươn. Mặt nước hồ được phủ kín bởi một mảng lục bình và cây bắp sau thu hoạch…để tạo bóng mát cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi, trú ẩn. Mỗi góc hồ dành một khoảng trống nhỏ để bỏ thức ăn cho lươn.

 Thức ăn cho lươn được anh Lừng sử dụng chủ yếu là thức ăn viên công nghiệp nhiều đạm và thức ăn là cá tạp, cua, ốc bươu vàng nấu chín.

Lúc đầu, anh Lừng thả lươn giống vào một bồn ương nuôi. Một tháng sau, anh tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh được ương nuôi trong môi trường khắc nghiệt rồi thả vào 5 hồ để nuôi đại trà và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của lươn. Anh Lừng thay nước hồ nuôi lươn mỗi ngày và chăm sóc đàn lươn chu đáo nên đàn lươn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công… 

Anh Lừng bộc bạch: “Tôi nuôi 5 hồ lươn mỗi hồ có diện tích 20.4m2 với 2.000 con giống. Tôi bắt được lươn giống từ những lúc đặc lợp lươn mùa nước nổi đem về nuôi  sau 5 tháng 20 ngày tôi vừa thu hoạch được  220 kg lươn thịt. Thương lái đến mua với giá, lươn loại 1 là 180.000 đồng/kg, lươn loại 2 là 160.000 đồng/kg".

Tổng số tiền anh Lừng thu được từ nuôi lươn là 32 triệu đồng  sau khi trừ chi phí anh còn lời trên 22 triệu đồng. Anh Lừng còn cho biết thêm: "Nuôi lươn không khó, vốn cũng không nhiều nhờ được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi lươn ở địa phương tổ chức, nắm vững kiến thức và kỹ thuật nuôi chỉ một mình tôi cũng đảm trách được, hàng ngay tôi đi xúc cá, bắt ốc,...nếu không có thời gian thì có thể mua thức ăn thêm cho lươn từ những người lân cận. Nuôi lươn lời khá cao nên tôi dự tính sắp tới sẽ nuôi thêm 3 hồ nữa để tăng thêm thu nhập ổn định cho gia đình...".

Anh Lừng còn cho hay, thường vào thời điểm tháng 8 lươn thường hay bệnh sốt xuất huyết cho nên cần phải xử lý thuốc để hạn chế bệnh. Vào tháng 9 thì lươn bị ghẻ hàng loạt cho nên muốn nuôi lươn đạt hiệu quả tốt phải chú ý vào 2 thời điểm này.

Còn ông Trần Văn Cọp ngụ ấp Bình Đức xã Bình Phú hồ hởi nói: “Tôi mua được 300 con lươn giống sau 5 tháng nuôi, tôi vừa bán được 7 triệu đồng sau khi trừ chi phi tôi còn lời được 3,2 triệu đồng. Tôi mua giống lươn từ chỗ cháu Lừng ương được. Do tôi chưa được tham gia lớp học nuôi lươn nên nhờ cháu Lừng hướng dẫn từ thuốc men đến kỹ thuật nuôi. Việc nuôi lươn cũng không khó đối với người có ít vốn như tôi...".

Ông Cọp còn thố lộ nuôi lươn vốn ít mà có hiệu quả ông rất thích. Dù vốn ít nhưng qua đợt nuôi lươn lần này, ông có thêm kinh nghiệm và sắp tới cũng sẽ nuôi tăng thêm 1 hồ lươn nữa để tăng thêm thu nhập.

Hầu như những hộ nuôi lươn ở Bình Phú không có đất sản xuất, đa phần tận dụng đất trước nhà làm bồn nuôi lươn, vốn đầu tư không nhiều. Hy vọng rằng mô hình nuôi lươn mùa lũ đạt hiệu quả sẽ được nhân rộng, giúp cho việc khôi phục lại việc chăn nuôi mùa lũ được thành công, nhiều hộ sẽ khá lên./.