Gần Tết, một tin vui cho trái cây đặc sản, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã ký một thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Central Retail (chủ sở hữu hệ thống siêu thị Big C). Theo đó, tỉnh Tây Ninh sẽ cung ứng sản phẩm trái cây đặc sản chủ lực của tỉnh, trong đó có mãng cầu Bà Đen.
Việc mãng cầu Bà Đen được siêu thị Big C chấp nhận mở ra một hướng phát triển tốt cho nông dân.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Mấy, hiện tỉnh này có 8.000ha mãng cầu Bà Đen, năng suất 30 – 40 tấn/ha, lợi nhuận 300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần NATANI (Tây Ninh) cho biết, hiện công ty đang có vùng nguyên liệu mãng cầu Bà Đen với diện tích khoảng 100 ha, tại các xã Tân Bình, Thạnh Tân (TP. Tây Ninh), xã Phan (huyện Dương Minh Châu) và khu vực quanh núi Bà Đen.
Trung bình mỗi tháng, công ty này cung cấp cho thị trường khoảng 50 - 60 tấn trái, bằng 20% so với sản lượng thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail, nhấn mạnh Tập đoàn này đang muốn hợp tác sâu rộng hơn nữa với tỉnh Tây Ninh trong việc thu mua nông sản trực tiếp từ các hộ nông dân, HTX với chiết khấu 0%.
Trong khi mãng cầu Bà Đen đã có cơ hội “ra biển lớn”, thì sầu riêng Ngũ Hiệp vẫn còn trong “kênh, rạch” ở miệt sông nước miền Tây. Và ngành nông nghiệp tỉnh này đang nỗ lực đưa loại trái cây đặc sản này đỉnh đạt vươn ra thị trường.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, tỉnh này hiện có trên 13.000ha trồng sầu riêng, tập trung nhiều tại các huyện: Cai Lậy, Châu Thành, Cái Bè và TX. Cai Lậy. Trong đó, huyện Cai Lậy trồng sầu riêng nhiều nhất, chiếm trên 76% diện tích. Với năng suất bình quân 25 tấn/ha, lợi nhuận trung bình 1,2 tỷ đồng/ha /năm.
Nông dân Tiền Giang thu hoạch sầu riêng.
Địa bàn huyện Cai Lậy hiện có khoảng 150ha sầu riêng được sản xuất theo mô hình VietGAP và GlobalGAP ở các xã: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Tân Phong…, với sự tham gia của 145 thành viên THT và HTX.
Hàng năm, Tiền Giang thu hoạch hơn 200.000 tấn sầu riêng. Đại diện Công ty TNHH MTV XNK Như Thủy Tiên – một công ty chuyên thu mua nông sản xuất khẩu cho rằng, sầu riêng hiện tại được tiêu thụ tại các thị trường, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất, chiếm đến 80% tổng sản lượng được tiêu thụ.
Thực tế thời gian qua cho thấy, giá cả của sầu riêng thường không ổn định, thường xuyên biến động do cạnh tranh giữa các thương lái, nhà vườn dẫn đến tình trạng sầu riêng đồng loạt bị thương lái và nhà vườn cho phép cắt trái chưa chín, không đủ chất lượng.
Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang xác định, đây là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, có chất lượng và giá trị kinh tế mang lại tương đối cao. Giống sầu riêng được trồng tại các địa phương trong tỉnh có đến 97% là các giống hạt lép: Ri6, Chín Hóa, Dona…; trong đó giống RI6 chiếm đến 50%.
Sở này cũng cho biết, Đề án Phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, dự kiến diện tích trồng từ 14.000 - 16.000 ha, sản lượng đạt từ 310.000 – 336.000 tấn/năm.
Đóng gói mãng cầu Bà Đen trước khi xuất bán ra thị trường.
Song song đó, Đề án xây dựng thương hiệu sầu riêng của tỉnh cũng đã được phê duyệt, UBND huyện Cai Lậy đang xây dựng kế hoạch hướng dẫn các xã thực hiện. Ngành nông nghiệp sẽ tập huấn, hướng dẫn nông dân về quy trình, cách thức tham gia thực hiện Đề án.
Một trong những yêu cầu quan trọng để trái sầu riêng được xuất khẩu và leo lên kệ siêu thị là nông dân phải đăng ký tham gia vào tổ hợp tác hoặc HTX, sau đó được cấp mã số, có logo, áp dụng trồng theo quy chuẩn đối tác yêu cầu.