Dân Việt

Hưng Yên: Mời nông dân giỏi “cầm tay chỉ việc” dạy nghề

Thu Hà 02/01/2020 05:00 GMT+7
Với phương thức “cầm tay chỉ việc” trong dạy nghề nông dân, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội ND tỉnh Hưng Yên mời các chuyên gia, nông dân giỏi có kinh nghiệm cung cấp những kiến thức cơ bản, truyền đạt kinh nghiệm thực tế cho bà con nông dân, đồng thời giải đáp những thắc mắc trong quá trình sản xuất.

Năm 2018, Hội ND Hưng Yên tổ chức dạy nghề trồng cây có múi cho nông dân tại các xã: Phú Cường (TP.Hưng Yên); Nguyễn Trãi, Tiền Phong (huyện Ân Thi). Đáng chú ý, để nông dân áp dụng kiến thức hiệu quả, sau học nghề, Hội còn hỗi trợ học viên xây dựng mô hình thực hành.

Theo đó, trong quá trình triển khai mô hình thực hành trồng cây có múi, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hưng Yên mời ông Đào Văn Chuyên (ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm) - chủ sở hữu nhãn hiệu “Bưởi Đào Chuyên” cùng theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của cây, cung cấp những kiến thức cơ bản, truyền đạt kinh nghiệm thực tế cho bà con nông dân, đồng thời kịp thời giải đáp những thắc mắc trong quá trình trồng và chăm sóc.

img

Cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hưng Yên hướng dẫn nông dân xã Phú Cường sử dụng phân bón đúng cách.  Ảnh: T.H

Bà Nguyễn Thị Huệ (ở xã Phú Cường, TP.Hưng Yên), cho biết: “Trong 6 tuần tham gia lớp đào tạo nghề, chúng tôi được cung cấp những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc giống bưởi Đào Chuyên. Sau khi tham gia khóa đào tạo, từ tháng 9/2018 tôi xây dựng mô hình thực hành trên diện tích 3 sào đất của gia đình với 70 gốc bưởi Đào Chuyên. Dự kiến sau 3 năm, vườn bưởi sẽ cho thu hoạch, giá trị kinh tế ước tình cao gấp nhiều lần trồng ngô.

5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hưng Yên đã tổ chức 27 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 800 hội viên, nông dân; các cấp Hội tổ chức và phối hợp tổ chức dạy nghề, chuyển giao KHKT cho hơn 75.000 hội viên nông dân. Qua đó, góp phần giúp 6.886 hộ thoát nghèo. Bên cạnh đó, hàng năm, các cấp Hội ND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp tổ chức 1.109 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên nông dân về các kiến thức VietGAP và các quy tắc sản xuất thực phẩm an toàn khác.

Ngoài ra, Hội ND các cấp trong tỉnh cũng chú trọng dạy nghề, triển khai nhân rộng 64 mô hình kinh tế tập thể, thành lập mới 29 THT, HTX. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đến hàng tỷ đồng.

Tiêu biểu như HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo; HTX nhãn chín muộn Miền Thiết; HTX chanh tứ quý, huyện Khoái Châu; HTX sản xuất và tiêu thụ cam Quảng Châu, TP.Hưng Yên; HTX rau, củ, quả Vượng Phát, huyện Yên Mỹ; HTX đồ gỗ mỹ nghệ Hòa Thuận, huyện Mỹ Hào; mô hình trồng quất cảnh xã Thắng Lợi; mô hình trồng và chế biến nghệ xã Chí Tân…