Tiếp tục lập kỷ lục
Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho thấy, kết thúc năm 2019, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam chính thức chinh phục con số 11 tỷ USD xuất khẩu. Vượt qua nhiều cảnh báo rủi ro trước đó, trong đó có cả những thách thức về nhân lực, thị trường, các doanh nghiệp trong ngành một lẫn nữa khẳng định bản lĩnh và khả năng ứng biến để có thể làm chủ cuộc chơi.
Khách hàng nước ngoài tìm hiểu sản phẩm đồ gỗ nội thất của Công ty Farmhouse (trụ sở tại TP.HCM). Ảnh: TTXVN
Trong 2 thập niên qua (2000-2019), kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ tăng từ 219 triệu USD lên con số 11 tỷ USD. Chính phủ giao mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD. |
Hiện, ngành xuất khẩu chế biến gỗ Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và thứ 5 thế giới, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số trong suốt 20 năm qua, riêng năm 2019 đạt 18%. Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu chạm mức kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu quy hoạch và thực thi tốt tầm nhìn vì vị thế ngành gỗ đang phát triển rất cao. Tuy vậy, theo ông Khanh, ngành công nghiệp chế biến gỗ vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn, nhất là trong việc xây dựng vùng nguyên liệu.
Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, trong số 14,5 triệu ha diện tích đất rừng toàn quốc thì rừng trồng đã chiếm hơn 4,3 triệu ha. Nhờ chủ động liên kết với người dân, các doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ trong nước đã tổ chức được nguồn nguyên liệu chủ động. Tuy nhiên, thực tế vẫn ghi nhận chuyện người dân “bán lúa non”, chấp nhận thu hoạch sớm băm làm dăm gỗ dù giá bán rẻ hơn. Thách thức ấy cho thấy việc quy hoạch gia tăng giá trị cho các loại gỗ rừng trồng cần phải được tổ chức lại, với cái nhìn dài hơi hơn.
Ngành chế biến gỗ đang có khoảng 500.000 nhân lực đóng góp cho sự phát triển của hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể, còn hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp của Việt Nam, chỉ có khoảng 30% lao động được đào tạo nghề, đa số là lao động phổ thông.
Xuất khẩu không gian, xây chuỗi cung ứng
Hiện nay, có một xu thế đang được nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ hướng tới là xây dựng cả chuỗi cung ứng. Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng kiến trúc AA, đã nhiều năm nay AA chọn phát triển theo hướng xuất khẩu không gian và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành chế biến gỗ.
Theo đó, AA có nhiều khách hàng lớn là những khách sạn, nhà hàng nổi tiếng trên thế giới. AA có trách nhiệm hoàn thiện, trang trí nội thất, cung cấp gói dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Không chỉ ở trong nước, AA còn cung cấp dịch vụ cho nhiều khách sạn lớn trên thế giới, toàn bộ đồ nội thất được sản xuất tại hai nhà máy ở Long An và Tây Ninh.
Theo ông Phương, ngành công nghiệp nội ngoại thất toàn cầu có giá trị hàng hóa lên đến 450 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị sản xuất gia công, chỉ 140 tỷ USD. Để tiến đến khai thác tốt khung giá trị này, doanh nghiệp phải hội tụ được các yếu tố: Thiết kế, thương hiệu, phân phối thương mại.
“Doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang làm rất tốt khâu sản xuất nhưng lại chưa quan tâm đến vấn đề thiết kế, xây dựng thương hiệu. Sẵn sàng đầu tư cho những giá trị vô hình như thiết kế, thương mại, thương hiệu là cách để doanh nghiệp ngành gỗ nâng tầm” - ông Phương nói.
Có một ví dụ thực tế, một công ty thiết kế nội thất chỉ với 70 thành viên nhưng đã tạo ra doanh thu bằng một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ 700 nhân công. “Doanh nghiệp Việt nhưng hoàn toàn có thể đầu tư để khai thác, từ việc tập trung hơn nữa trong công tác đào tạo đến việc thuê hay mua thiết kế từ các quốc gia có thế mạnh” - ông Nguyễn Quốc Khanh nói.
Ngoài ra, theo ông Khanh, để có thể gia tăng giá trị cho các loại gỗ rừng trồng, lâm nghiệp Việt Nam sẽ phải tổ chức tốt hơn trong việc nâng cao chất lượng nguyên liệu bằng cách lựa chọn giống tốt, áp dụng các kỹ thuật trồng cũng như tuyên truyền cho nông dân kéo dài tuổi thọ rừng trồng.
Cũng liên quan đến vấn đề nguyên liệu, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, phải tạo ra những trung tâm chợ gỗ lớn. Hiện tại chỉ có một trung tâm phân phối gỗ ở Đồng Nai (TAVICO) và một số nhà cung ứng gỗ khác ở phía Bắc và phía Nam, Nhà nước cần dành quỹ đất có chính sách giá hợp lý, quy hoạch ở mỗi vùng miền một trung tâm để đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến.
Về chất lượng nguồn nhân lực, với ngành gỗ, nhu cầu nhân lực không chỉ là lao động phổ thông mà cần ở tất cả các ngành, từ thiết kế - sáng tạo đến kinh doanh, marketing, tài chính, công nghệ... Đáng tiếc, việc tổ chức nhân lực cho ngành chưa có quy hoạch từ các bộ, ngành. Dù có nhiều trường đại học đào tạo kỹ sư chế biến gỗ trên địa bàn cả nước nhưng số lượng không đáng kể so với nhu cầu của doanh nghiệp.
Từ thực tế đó, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, điểm mấu chốt là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, có lợi nhuận, có giải pháp căn cơ về thu nhập cho người lao động mới tạo được sức hút. Một trong những đòn bẩy để tạo ra năng suất là phải có sự liên kết trong sản xuất.