Vừa lạ lại hay
Người tiên phong trong phong trào trồng mãng cầu gai ghép trên gốc bình bát tại xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau là ông Phan Văn Ba ở ấp Chánh.
Ông Ba cho biết: “Gia đình tôi đã làm rất nhiều nghề như trồng dưa hấu, trồng màu, làm ruộng nhưng trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Có năm, gia đình thu hoạch trái mãng cầu gai ghép trên gốc bình bán được gần 100 triệu đồng…”.
Anh Trần Văn Tuấn ở ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau (Cà Mau) bên vườn mãng cầu gai ghép gốc bình bát mới trồng được 1 năm. Ảnh: Bích Lệ
"Thời gian tới, xã Lý Văn Lâm sẽ thành lập Tổ hợp tác nhằm liên kết sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường đầu ra mãng cầu…”. Ông Mạc Ngọc Truyền - Chủ tịch Hội ND xã Lý Văn Lâm |
Năm 2011, khi được người quen hướng dẫn cách trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát, hai vợ chồng ông Phan Văn Ba trồng hơn 200 gốc cây bình bát dọc theo bờ ruộng, bờ ao, với khoảng cách từ 2 - 2,5m. Một năm sau, cây bình bát cho trái. Vợ chồng ông xin nhánh mãng cầu gai ghép vào gốc cây bình bát.
Ban đầu, nhiều người không tin cách làm lạ này của ông Ba, cho rằng ông đang rảnh việc nên sinh ra “ngứa chân ngứa tay”. Nhưng rồi từ những gốc bình bát ngày nào, những nhánh mãng cầu gai vươn cành, trổ bông, đậu trái và lớn dần trong sự tò mò, phấn khởi của gia đình ông cũng như bà con chòm xóm.
Ông Phan Văn Ba tiết lộ, thời gian ghép mãng cầu vào gốc bình bát thích hợp nhất là tháng 6 âm lịch. Bà con cần chọn những tược có nhiều mắt hoặc nhánh mãng cầu gai đã hóa gỗ có đường kính vừa bằng gốc cây bình bát và khúc cành dùng để ghép không có lá. Sau đó, cắt một lát xiên từ trên xuống chân cành ghép, vừa khớp với vết cắt trên gốc bình bát rồi buộc áp khít vào gốc ghép khoảng 15 ngày thì tháo dây buộc.
Sau vài tháng, khi nhánh ghép phát triển tốt thì cắt bỏ tất cả nhánh bình bát chỉ chừa lại nhánh ghép của mãng cầu. Từ lúc ghép đến khi thu hoạch trái mãng cầu là 2 năm. Ở năm đầu tiên, mãng cầu ra trái thì chỉ để lại khoảng 50% số trái trên cây.
Không lo thất thu
Những năm qua, thị trường tiêu thụ trái mãng cầu gai ở Cà Mau khá ổn định. Thương lái vào thu mua tận vườn. Trái mãng cầu gai có nhiều lợi ích nên được nhiều người biết đến vì thế giá luôn được đẩy lên, với những trái tốt thương lái mua 30.000 đồng/kg, trái loại 2 cũng được mua với giá 20.000 đồng/kg.
Từ hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều nhà vườn tại xã Lý Văn Lâm đã mạnh dạn phá các vườn tạp, đất sản xuất không hiệu quả để chuyển sang đầu tư trồng cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát.
Trước đây, anh Trần Văn Tuấn (ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm) chỉ trồng dưa hấu, màu và làm ruộng. Tuy nhiên, 5 năm nay, anh quyết tâm trồng và nhân rộng mô hình mãng cầu gai ghép gốc bình bát.
Theo anh Tuấn, nhánh mãng cầu ghép vào gốc bình bát giúp cây sống lâu, chịu được phèn mặn, không sợ ngập nước và chống được nắng hạn. Cách vài tháng, bà con nên bón phân NPK cho cây và vun đất vào gốc.
Hiện vườn mãng cầu hơn 70 gốc của anh Tuấn đang vào độ thu hoạch. Những cây mãng cầu có tuổi đời 5 năm đang cho trái rất sai, hầu như thu hoạch quanh năm.
Anh Tuấn cho biết: Trồng mãng cầu không tốn chi phí, trồng một lần thu hoạch vài chục năm, chỉ tận dụng đất bờ bao, không ảnh hưởng cây trồng khác, cần phòng ngừa bệnh thán thư gây hại hoa và trái ở cả giai đoạn trái non và trái lớn. Ngoài ra, rệp sáp và sâu đục trái cũng khá phổ biến trên mãng cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, anh chỉ sử dụng thuốc dẫn dụ ruồi treo trên thân cây.
Do không sử dụng thuốc hóa học nên nhiều người đã vào tận vườn nhà anh để mua mãng cầu. Mỗi năm, nhờ bán mãng cầu giúp anh có thu nhập 50 triệu đồng.
Với hiệu quả của mô hình, anh chuẩn bị trồng ghép thêm mãng cầu gai vào gốc cây bình bát mọc sát bờ bao.
Toàn TP.Cà Mau hiện có gần 50 hộ trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát với diện tích hơn 20ha. Trong đó có trên 10 hộ trồng quy mô từ 100 gốc trở lên.