Sinh ra và lớn lên ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) – vùng quê vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa hồng, anh Chuyền cũng lựa chọn gắn bó với cây hoa hồng như nhiều người khác ở địa phương. Nghe nói khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La khá phù hợp cho cây hoa hồng sinh trưởng và phát triển vào mùa hè, anh Chuyền không chút đắn đo, quyết định lên Sơn La lập nghiệp.
Anh Chuyền bắt đầu trồng hoa hồng ở xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La từ năm 2015.
“Do ở quê đất sản xuất ít, trồng hoa chỉ được một mùa nên tôi đã chọn vùng đất Chiềng Xôm (thành phố Sơn La) làm nơi dừng chân. Vùng đất này đã có nhiều người con ở Mê Linh lên đây trồng hoa hồng. Khác với quê tôi chỉ trồng hoa được vào mùa đông, thì ở nơi đây cây hoa hồng lại sinh trưởng và phát triển tốt vào mùa hè vì khí hậu mát mẻ” – anh Chuyền chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Đầu năm 2015, anh Chuyền lên xã Chiềng Xôm thuê 1ha đất trồng lúa của người dân bản Ái để trồng hoa hồng. Sau khi cày đất, lên luống, anh trở về quê lấy giống hoa hồng và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lên Chiềng Xôm, bắt đầu sự nghiệp trồng “loài hoa tình yêu” nơi đất mới.
Anh Chuyền thu khoảng 10 vạn bông hoa hồng/lứa.
Thật không may, năm đầu trồng hoa nơi đất mới, anh Chuyền thất thu hoàn toàn vì nước lũ. Thất bại đầu tay không thể xua đi khát vọng làm giàu nơi đất mới của chàng trai vùng đất ven đô, anh Chuyền bắt tay vào làm lại. Với kĩ thuật trồng, chăm sóc hoa hồng sẵn có, những lứa hoa sau đó, lứa nào anh Chuyền cũng thắng lợi.
Chia sẻ bí quyết trồng hoa hồng với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Chuyền vui vẻ cho biết: Cây hoa hồng ưa với thời tiết vừa phải, nắng quá hay lạnh quá đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của hoa hồng. Từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, cây hoa hồng sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đều đặn, bông to, đẹp. Khi thời tiết lạnh dần thì lượng hoa cũng giảm theo.
Anh Chuyền chủ yếu chuyển hoa hồng tươi về Hà Nội tiêu thụ.
“Cây hoa hồng rất dễ trồng. Lúc đầu trồng không phải bón phân. Hơn 1 tháng sau, khi cây hoa có độ bật thì mới bắt đầu cho “ăn” phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Sau đó, cứ cách khoảng 2 tháng tôi lại cho hoa hồng “ăn” phân 1 lần. Đối với thuốc bảo vệ thực vật thì phải phun thường xuyên, vì cây hoa hồng có đặc điểm là hay bị nấm, sâu phá hoại. Trồng hoa hồng thì phải năng phun thuốc thì mới “có ăn”. Khoảng 1 tuần, tôi phun thuốc bảo vệ thực vật 1 lần, phòng trừ nấm, sâu hại ruộng hoa hồng” – anh Chuyền cho hay.
Mỗi năm, anh Chuyền thu gần 300 triệu đồng tiền lãi từ bán hoa hồng tươi ra thị trường.
Được chăm sóc, cắt tỉa theo định kỳ, ruộng hoa hồng nhà anh Chuyền sinh trưởng, phát triển tốt, cứ cách 45 ngày, anh lại cắt hoa bán ra thị trường. Với diện tích 1ha, cứ mỗi lứa anh Chuyền thu khoảng 10 vạn bông. Bán ra thị trường với giá dao động từ 1.000 – 3.000 đồng/bông, mỗi lứa hoa, anh Chuyền cũng thu gần 200 triệu đồng. Như vậy, một năm anh Chuyền thu 4 lứa hoa, sau khi trừ chi phí anh thu lãi gần 300 triệu đồng.