Dân Việt

Bón phân “4 đúng”, người trồng bưởi Cát Quế bội thu

Đức Thịnh 01/01/2020 09:07 GMT+7
Nhờ chăm sóc cẩn thận, áp dụng kỹ thuật bón phân Lâm Thao “4 đúng”, nhiều nông dân trồng bưởi ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Bí quyết của “triệu phú bưởi”

Anh Nguyễn Duy Hà (ở đội 7, Cát Quế) là một trong những hộ gia đình làm giàu từ trồng bưởi Quế Dương. Chia sẻ với phóng viên, anh Hà phấn khởi nói: “Bưởi đường chín sớm trồng chỉ sau khoảng 4 năm ra quả, cây cho quả ngon nhất từ 7 tuổi trở đi. Cây trưởng thành có thể cho 200 - 400 quả/cây. Tuổi thọ của cây bưởi trung bình từ 30 - 40 năm. Vụ thu hoạch vào tháng 8 âm lịch. Mỗi năm nhà tôi thu hái được khoảng 1.000 - 2.000 quả bưởi đường chín sớm”.

img

Người dân Cát Quế nhân giống bưởi Đường Quý Dương. Ảnh: N.Q

Theo anh Hà, bưởi đường Quế Dương loại to có trọng lượng dao động từ 0,8-1,2kg/quả; quả nhỏ từ 0,5-0,6kg. Vỏ bưởi mỏng, sọ to, vị bưởi ngọt, thanh mát được các cửa hàng bán hoa quả an toàn ở Hà Nội rất ưa chuộng, bưởi hái đến đâu các thương lái “ôm” hết đến đấy. Ở xã Cát Quế có rất nhiều gia đình đã thành triệu phú nhờ trồng giống bưởi đường Quế Dương. Cùng với anh Hà, vườn bưởi của các ông Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Duy Hiển, Nguyễn Duy Chung, Nguyễn Danh Đỉnh… cũng ngon có tiếng, đều được trồng từ 15 - 20 năm nên cứ giáp tết là khách hàng về đặt mua cả vườn.

Ông Nguyễn Văn Mười - chủ vườn bưởi 15 năm tuổi ở đội 7, xã Cát Quế cho biết: Muốn bưởi ngon, điều quan trọng nhất là chọn được cây giống đầu dòng, kết hợp với áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc phù hợp.

Theo ông Mười, tùy độ tuổi của vườn bưởi mà người trồng có cách chăm sóc riêng. Còn đối với vườn bưởi trên 15 tuổi như nhà tôi thì sau khi thu hoạch quả người trồng nên tiến hành xới đất xung quanh tán cây, sau đó bón phân để cây phục hồi.

“Liều lượng bón phục hồi cho 1 gốc bưởi như sau: 2kg đỗ tương + 3kg ngô (tất cả đều nghiền ra ủ hoai mục) + 2kg NPK của Lâm Thao + 1kg lân supe Lâm Thao. Lần bón phân thứ 2 là giai đoạn cây nuôi quả non. Theo đó, người trồng cần bón thêm 1 - 1,5kg NPK Lâm Thao để bổ sung dinh dưỡng cho cây nuôi quả. Lần bón phân thứ 3 là từ tháng 7 âm trở đi, lúc này cần bón kali đỏ để tạo độ ngọt cho múi bưởi. Mỗi cây cần bón 0,7kg kali đỏ, chia làm 3 đợt bón cho cây. Nói chung ngoài phân bón hữu cơ tự ngâm ủ, thì tôi thường tin dùng phân bón uy tín như của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao để chăm sóc vườn bưởi” - ông Mười cho biết.

img

Từ trồng giống bưởi Đường nhiều hộ dân ở Cát Quế đã có thu nhập cao. Ảnh: N.q

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vườn bưởi nhà ông Mười cho thu hoạch ổn định 10 năm nay. Với 80 gốc bưởi (khoảng 2,5 sào), gia đình ông thu hoạch được 4.500 quả, giá bán buôn tại vườn là 38.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí lãi 160 triệu đồng. Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Duy Chung trồng 3 sào bưởi đường, hàng năm lãi 130 - 170 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Danh Đỉnh trồng gần 1 sào cũng thu lãi 60 triệu đồng...

Xây dựng thương hiệu “Bưởi đường Quế Dương”

Ông Nguyễn Như Hảo - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh bưởi đường Quế Dương, xã Cát Quế cho biết: Từ nhiều năm trước, người dân xã Cát Quế đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô, khoai sang trồng bưởi Diễn, bưởi Đường... cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.

“Hầu như các hộ dân trong xã đều trồng bưởi. Thông thường, mỗi nhà đều trồng một vài cây để lấy quả. Trong đó có nhiều cây trên 20 năm tuổi vẫn cho thu hoạch. Hiện đất nông nghiệp của xã đang trồng cây ăn quả chủ yếu với các giống bưởi đường Quế Dương, bưởi Diễn, cam Canh” - ông Hảo thông tin.

Là một trong những hộ trồng bưởi đường lâu năm ở xã Cát Quế, bà Trần Thị Thu đã được thưởng thức vị ngọt đậm đà của giống bưởi đường nơi đây. Đến nay, cây lâu năm nhất là 40 - 60 năm tuổi, cho quả ngọt, nhiều nước, càng để lâu càng ngon, tuy vậy số lượng cũng không nhiều. Bà giữ cho mỗi người được thưởng thức một ít, chứ không rao bán rộng rãi.

Ngoài phân bón hữu cơ tự ngâm ủ, thì tôi thường tin dùng phân bón uy tín như của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao để chăm sóc vườn bưởi”.

Hộ trồng bưởi Nguyễn Văn Mười

Hiếm có là vậy nên năm nào khách cũng đặt mua bưởi đường cổ từ đầu vụ, dù giá có cao đi chăng nữa. Mỗi cây cho 200-300 quả khách đến tận vườn mua chỉ mấy tuần là hết.

Theo ông Hảo, từ khi xã tiếp nhận dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen bưởi chín sớm vùng lũ sông Đáy huyện Hoài Đức” của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thì cây bưởi Quế Dương như được tiếp thêm sinh khí mới.

Theo đó, trong chương trình này, các nhà nghiên cứu đã lập vườn ươm, tiến hành nhân giống bằng các phương pháp tiên tiến, hiện đại như Invitro, cấy ghép đỉnh sinh trưởng để tạo ra nguồn giống hoàn toàn sạch bệnh, khỏe mạnh mà vẫn giữ được các đặc tính ưu việt của giống bưởi đường Quế Dương. Đồng thời, người trồng bưởi đường Quế Dương cũng được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản theo quy trình công nghệ tiên tiến.

Đặc biệt, từ năm 2014 giống bưởi đường Quế Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nên giá trị hàng hóa đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, theo ông Hảo, hiện diện tích trồng cây ăn quả ở Cát Quế còn nhỏ, lẻ, phân tán; hộ nhiều cũng chỉ khoảng 10 sào, hộ ít 1-2 sào. “Thời gian tới, Cát Quế tập trung áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cây ăn quả của địa phương, nhất là các giống bưởi. Đồng thời, Hội Sản xuất và kinh doanh bưởi đường Quế Dương xã Cát Quế cũng khuyến khích người dân trồng bưởi theo quy trình VietGAP và tiến tới xin cấp chứng nhận bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, qua đó vừa khẳng định thương hiệu bưởi đường Quế Dương”- ông Hảo cho hay.