Dân Việt

Nông sản Việt vào siêu thị như "miếng giữa làng": Không dễ

Quỳnh Nguyễn 01/01/2020 14:00 GMT+7
Con đường đưa nông sản vào siêu thị và trụ lại được trên kệ chưa bao giờ là dễ dàng. Hiện nay, nhờ có sự liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp và những buổi gặp gỡ, xúc tiến thương mại đã phần nào giúp cho con đường đưa nông sản Việt vào siêu thị rộng mở hơn.

Gian nan đủ kiểu

Đã gắn bó với nông nghiệp Việt hơn 20 năm, chị Ino Mayu, người sáng lập ra tổ chức phi chính phủ "Seed to Table" (Từ hạt giống đến bàn ăn) đã hướng dẫn hàng ngàn nông dân sản xuất rau, nông sản sạch, tìm đầu ra trên thị trường. Chị cũng hiểu rất rõ những khó khăn của nông sản Việt khi kết nối với các hệ thống bán lẻ hiện đại.

img

Chị Ino Mayu trong một sự kiện giới thiệu kết nối nông sản sạch tại TP.HCM. Ảnh: Q.N

Chị Mayu cho rằng, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) của Việt Nam hiện nay đang chủ quan trong việc xây dựng thương hiệu, ngay từ khâu dán tem nhãn, đầu tư cho bao bì. Nhiều sản phẩm vốn dĩ đạt chất lượng nhưng do yếu khâu đóng gói, bảo quản dẫn đến chất lượng không còn đảm bảo khi tới tay người tiêu dùng.

Đây là nguyên nhân khiến việc đưa hàng vào siêu thị vốn đã khó, nhưng ngay cả các DN đã và đang có sản phẩm trên quầy kệ cũng khó có thể tồn tại trong tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Cũng theo chị Mayu, để tham gia bán hàng tại một hệ thống siêu thị thì khâu thủ tục có rất nhiều bước. Chưa kể yêu cầu của mỗi kênh phân phối là khác nhau, điều này không hề dễ dàng đối với các DN gia đình hoặc HTX.

Cùng chung nỗi trăn trở làm sao để nông sản Việt có chỗ đứng trong hệ thống siêu thị, chị Nguyễn Thị Minh Tâm, quản lý kênh hiện đại của Công ty gạo Lotus Rice chia sẻ, trong quá trình kết nối đưa sản phẩm vào siêu thị, trong rất nhiều sản phẩm phổ biến nhưng siêu thị chỉ chọn những sản phẩm trị giá thấp, mức độ phủ (phổ biến) không cao.

Bên cạnh đó, DN cũng chỉ được bày bán sản phẩm ở một số điểm bán nhất định chứ không được bán trên toàn hệ thống. Như vậy, để đạt được doanh số như thoả thuận gần như là điều bất khả thi, kết quả là DN bỏ của chạy lấy người chỉ sau vài ba tháng.

“Mỗi sản phẩm giống như một đứa con của mình. Mình nghĩ là nó tốt, bán được, xuất khẩu được nhưng cái tốt đó của mình chưa chắc đã là sự lựa chọn của siêu thị, họ chọn theo mong muốn của họ. Mong muốn của siêu thị với HTX, DN không giống nhau thì khó đến với nhau được”, chị Tâm khẳng định.

Câu hỏi đặt ra là, rõ ràng việc đưa hàng vào siêu thị rất khó, chiết khấu cao, nhưng tại sao các DN vẫn phải làm?

Theo lý giải của nhiều DN, vì đây là kênh phân phối hiện đại. Hàng hóa vào được kênh này cũng đồng nghĩa đã chứng minh được chất lượng và độ an toàn. Cũng có một thực tế, khi đưa hàng đến các điểm phân phối truyền thống (như chợ và cửa hàng tạp hóa), câu đầu tiên các chủ điểm bán hỏi là “hàng này đã vào siêu thị được chưa”. Nếu vào được thì họ nhận bán, còn chưa thì phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục.

Những tín hiệu khả quan

Đã qua rồi cái thời nông dân chỉ biết canh tác, giá cả phụ thuộc vào thương lái. Việc đưa nông sản vào siêu thị đối với họ là con đường xa vời vợi.

Hiện nay, rất nhiều nông dân trên cả nước đã tìm đến với nhau, liên kết sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác, HTX. Với cách làm này, họ không chỉ giúp đỡ nhau áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà còn tạo ra được sản lượng nông sản đủ lớn để tự tin “gõ cửa” các hệ thống bán lẻ hiện đại.

Điển hình như tại buổi tọa đàm, kết nối trực tiếp giữa nhà nông với siêu thị tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, nhiều nông dân thứ thiệt tại một số tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Long An, Bình Dương… đã trực tiếp mang sản phẩm của mình đến “chào hàng” với 10 nhà thu mua, phân phối, siêu thị lớn.

img

Nhiều sản phẩm trái cây của nông dân miền Tây có tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP

Tại đây, đại diện các nhà thu mua, phân phối như Co.opmart, Big C, Bách Hóa Xanh, GS 25, Vinamit, Vina T&T Group… đã giải đáp khá nhiều thắc mắc của nhà nông, đặc biệt là tiêu chuẩn sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách hàng hóa, chế độ giao hàng, bảo quản, thanh toán, xu hướng thị trường trong và ngoài nước, khả năng mở rộng thị trường nông sản…

Ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc HTX Cam sành Phương Thúy Trà Ôn (Vĩnh Long) mang đến buổi kết nối một thùng khoảng 20kg cam sành, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Lâu nay sản phẩm của ông Phương chỉ bán lẻ cho các tiểu thương ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về giá, vận chuyển…

Chờ đợi đến lượt mình vào kết nối, ông Phương cho hay, “mình vẫn còn nhiều hạn chế khi tiếp xúc trực tiếp với kênh phân phối, nhưng đây lại là cơ hội của HTX nên đã có sự chuẩn bị từ mấy hôm trước kỹ càng”.

“Đến buổi kết nối này tôi mong chờ các nhà phân phối, siêu thị sẽ cho tôi biết liệu với chất lượng là VietGAP, cùng số lượng khoảng 2.000 tấn/năm của chúng tôi có đáp ứng được nhu cầu không?”, ông Phương nói.

Ông Nguyễn Văn Phước, đại diện HTX nhãn Ido ở xã An Bình, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, cầm trên tay đĩa đựng những trái nhãn thơm, ngon, nhiều nước, ông quan sát những bàn kết nối, khi các bạn xong, ông liền tiến lại rồi giới thiệu về sản phẩm, cách làm hiện nay của bà con trong HTX mình.

Ông Phương cho biết, dù mới ở quy mô làm sạch, theo hướng VietGAP khoảng 7 ha, nhưng thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng này, nên tự tin về mặt số lượng có thể giao cho siêu thị được.

img

Ông Nguyễn Văn Phước, đại diện HTX nhãn Ido xã An Bình, huyện Long Hồ, Vĩnh Long trao đổi với đại diện Saigon Co.op. Ảnh: Q.N

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Trưởng bộ phận thu mua hàng nông sản Saigon Co.op khẳng định, Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu các HTX, hộ nông dân phải đảm bảo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, xử lý sau thu hoạch để có các sản phẩm đạt chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe…

Bà Nguyễn Thị Diễm, Giám đốc mua hàng ngành trái cây hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, với 1.008 điểm bán và sẽ còn mở rộng hơn nữa, nên lượng hàng nông sản vào mỗi ngày tại hệ thống này rất lớn. Mỗi ngày có khoảng 300 – 400 tấn rau, củ, quả vào hệ thống. Ngoài những tiêu chuẩn bắt buộc, sản phẩm vào Bách Hóa Xanh luôn phải qua những khâu kiểm nghiệm cho từng loại trái cây, rau củ…

Bà Diễm cũng cho biết thêm, quy tắc mua hàng ở Bách Hóa Xanh cũng khác nhau cho mỗi loại trái cây, rau củ. Nên đối tác phải đảm bảo đúng chất lượng, và số lượng. Về khâu thủ tục pháp lý, chỉ cần đối tác chứng minh được chất lượng hàng hoá, hệ thống này sẵn sàng có bộ phận tư vấn, hỗ trợ trong khâu thủ tục.