Dân Việt

Bắc Kạn: Dân từ thoát nghèo rồi có trăm triệu nhờ cây ra búp chát

Chiến Hoàng 03/01/2020 06:00 GMT+7
Cây chè đã thực sự trở thành cây trồng thế mạnh, giúp người dân xã Thanh Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) thoát nghèo. 

Clip: Cây giúp thoát nghèo ở xã Thanh Bình (Chợ Mới, Bắc Kạn)

Xã Thanh Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) có 10 thôn thì có đến 6 thôn trồng chè. Tuy diện tích cây chè không lớn song phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên cây chè tại đây cho năng suất cao, chất lượng tốt và đã thực sự trở thành cây thế mạnh của vùng đất này. 

Qua giới thiệu của ông Sâm Văn Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình, phóng viên Dân Việt đã tìm đến thôn Nà Chiêm, xã Thanh Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn).

Gần 11h30 trưa, những ngôi nhà trong thôn cửa vẫn im lìm đóng. Cũng không có gì ngạc nhiên, bởi phần lớn các hộ đều đang trên rừng, trên những đồi chè, tranh thủ thu hái. Miền núi là thế, mở mắt đã lên rừng, tối mịt mới từ rừng về, khác chăng là ngày nay bà con lên rừng là để trồng cây, hái chè chứ không phải để phá rừng, đốt rẫy, làm nương.

img

 Cây chè tại Thanh Bình cho năng suất cao, chất lượng tốt và được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

img

Bà Trần Thị Thu vừa hái chè vừa chia sẻ về thứ cây đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình bà.

Thoăn thoắt đưa tay bứt những đọt chè non mướt mềm, bà Trần Thị Thu cho hay: "Làm nghề này nó vất vả thế, vụ gối vụ, mùa gối mùa luôn, bàn tay thì khi nào cũng đen kịt bởi nhựa chè, song được cái thu nhập cũng ổn định. Chứ làm ruộng không có tiền đâu. Làm đủ gạo ăn là tốt rồi."

Đồi chè nhà bà Thu có diện tích gần 10.000m2, ấy mà chỉ có hai vợ chồng bà làm. Chưa kể bà còn có mấy nghìn mét vuông ruộng, vậy nhưng gia đình bà vẫn nhận thêm ruộng của người dân trong vùng để làm thêm. Bà Thu cho biết, con cái lớn đi làm ăn xa, lấy vợ gả chồng cả rồi, có hai vợ chồng thôi, vất vả tí nhưng việc luôn tay cũng đỡ buồn, cũng thấy hết ngày nhanh hơn.

img

Theo bà Thu, nếu được chăm sóc, tưới bón đúng quy cách, một năm có thể cho 10-11 lứa chè/năm.

Theo bà Thu, đồi chè nếu không phun được thì chỉ tầm 7-8 lứa một năm, còn nếu chăm sóc tốt thì đến tháng 12 vẫn được hái lứa cuối cùng (chè Đông). Nếu đốn luôn, không phun không tưới, chè sẽ không được lứa. Về năng suất chè, cứ sau mỗi lứa lại tăng dần và sẽ giảm dần về một hai vụ cuối. Giá chè hiện nay giao động từ 55.000-70.000 đồng/kg. Nhìn chung nếu chăm và thuận lợi, mỗi năm gia đình bà cũng thu được khoảng gần 2 tấn chè thương phẩm, trừ mọi chi phí, thu về hơn trăm triệu đồng.

Ông Trần Thế Cúc, cùng thôn Nà Chiêm chia sẻ: "Nhà tôi có hơn 5000m2, diện tích tuy không nhiều nhưng nhờ chăm sóc tốt nên cũng cho năng suất cao. Tưới bón luôn tay làm cỏ sạch sẽ, nên chè chất lượng tốt. Hiện nay chè nhà tôi được giá nhất ở thôn này. Trong khi nhiều nơi, thương lái chỉ lấy có 55.000 đồng/kg thì nhà tôi vẫn bán được giá 70.000 đồng/kg". 

img

Vườn chè của ông Trần Thế Cúc vừa kết thúc vụ cuối của năm.

img

Giá chè trong năm nay tuy thấp hơn mọi năm nhưng gia đình ông Cúc vẫn được thương lái mua với giá cao nhất trong vùng.

Ông Cúc chia sẻ thêm, nhà ông có mấy hecta rừng, mấy nghìn mét vuông ruộng và 5000m2 chè. Bởi vậy ông không có ý định phát triển thêm diện tích cây chè do không có người làm. 

"Nhà tôi đã trồng cây chè này được 20 năm nay, nhìn chung ở địa phương, cây chè là cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn cả. Cây chè của tôi có thể bị sâu bệnh, mất mùa nhưng sau một tháng sẽ được thu bình thường, chứ còn cây lúa, thuê mướn cày bừa các cái song mất mùa là mất 5 tháng làm công không (tính cả thời kì mạ)", ông Cúc chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Sầm Văn Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình cho biết, toàn xã hiện có hơn 600.000m2 diện tích trồng cây chè. Hầu hết các thôn trong xã đều có trồng, tuy nhiên tập trung nhiều ở các thôn: Bản Áng, Nà Chiêm, Khuổi Nhầu, Bản Chàng và vẫn có thể phát triển thêm số diện tích trồng loại cây này. Đã có nhiều hộ trồng chè thành công, cho thu nhập kinh tế cao như: Phạm Văn Ánh, Trần Thế Cúc (thôn Nà Chiêm), Đoàn Văn Việt (thôn Bản Chàng), Hà Thị Huyền (thôn Bản Áng)… 

“Những hộ có diện tích tương đối lớn, cho hiệu quả kinh tế cao đều là hội viên Hội Nông dân xã. Thông qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hội viên đã tập trung thực hiện đảm bảo chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định, nhờ đó mà nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Chúng tôi đang dự kiến xây dựng nhãn mác, đăng ký sản phẩm OCOP”, ông Giang thông tin thêm.