Tập đoàn Vingruop của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố Nghị quyết của HĐQT liên quan đến việc hoán đổi cổ phần trong công ty con là Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (“VCM”).
Theo đó, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thực hiện việc hoán đổi toàn bộ cổ phần của mình trong công ty con là Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) và nhận lại quyền chọn được nhận cổ phần trong công ty hợp nhất – là công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan sở hữu cổ phần/phần vốn góp và vận hành hai công ty là VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.
Sau khi hoán đổi, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vương sẽ không còn là công ty mẹ trực tiếp của VCM.
Cùng thời điểm, Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan cũng đã thông qua nghị quyết về việc hoán đổi cổ phần với Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và dịch vụ VCM.
Theo đó, Masan nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của Công ty cổ phần phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.
Nghị quyết cũng thông qua việc phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con của VCM. Công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần cũng như phần vốn góp và vận hành cả hai công ty gồm VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.
Phía Masan cho biết sẽ ủy quyền cho Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang hoặc Trưởng Bộ phận Chiến lược và Phát triển là ông Danny Le quyết định các điều khoản, điều kiện cụ thể cũng như ký kết, chuyển giao và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để hoàn tất giao dịch hợp nhất kể trên.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan
Được biết, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM với vốn điều lệ 1 tỷ đồng do Phó Tổng giám đốc Vingroup Mai Hương Nội làm Chủ tịch HĐQT. Theo đăng ký thành lập mới ngày 5/8, Vingroup sở hữu 64,3%, ông Bùi Xuân Toàn nắm 10,94% và ông Ngạc Văn Lượng giữ 3,63% tại VCM. Ông Lượng là cá nhân có nhiều giao dịch liên quan đến các công ty con của Vingroup.
Tiếp đó, Vingroup cũng thông báo sở hữu cổ phần VinCommerce qua VCM. Theo thông tin tại cổng đăng ký doanh nghiệp, VCM nâng vốn từ 1 tỷ đồng lên 6.437 tỷ đồng, tương ứng tăng 6.436 tỷ đồng (bằng đúng vốn điều lệ của của VinCommerce).
Như vậy, với tỷ lệ 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của Công ty cổ phần phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM Masan nhận về có trị giá xấp xỉ 5.400 tỷ đồng.
Phần còn lại là tỷ lệ sở hữu của Masan và Vingroup trong công ty mới vẫn chưa được công bố tuy nhiên thông báo hồi đầu tháng 12/2019 cho biết Masan sẽ là bên nắm cổ phần chi phối cũng như quyền điều hành.
Đồng thời, việc Masan chỉ tiếp quản 83,74% cổ phần cho thấy nhóm GIC sẽ tiếp tục giữ nguyên cổ phần tại công ty này mà không hoán đổi cổ phần sang pháp nhân mới. Hiện, nhóm nhà đầu tư GIC/Credit Suisse nắm giữ 16,26% cổ phần của VCM.
Việc hợp nhất Masan Consumer Holdings cùng VCM sẽ tạo nên một công ty bán lẻ và sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam sở hữu một loạt thương hiệu lớn như VinMart, VinMart+, Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, Vinacafe Biên Hòa, Wakeup 247, Vĩnh Hảo, Quang Hanh…