Dân Việt

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cám ơn Thống đốc Lê Minh Hưng "chia lửa" với nông nghiệp

Huyền Anh 02/01/2020 15:42 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cám ơn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và các lãnh đạo ngân hàng đã "không bỏ lại ai ở phía sau", khi có bất cứ thiên tai dịch bệnh nào phát sinh đều có ngay các chỉ đạo xử lý rủi ro tín dụng cho khu vực nông nghiệp. Nhờ đó, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng trên 2% bất chấp dịch tả lợn Châu phi hoành hành, xuất khẩu đạt 41,3 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 sáng nay (ngày 2/1/2020), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua đã sử dụng khá nhuần nhuyễn các công cụ của tín dụng, các công cụ của tiền tệ.

Do đó, ngành ngân hàng đã đảm bảo được cả 2 mục tiêu: Mục tiêu trước mắt cho năm 2019 và mục tiêu chiến lược lâu dài như tỷ giá ổn định, cung ứng tiền cho nền kinh tế được đảm bảo, 1 năm có tới 2 lần giảm lãi suất trong cục diện khó khăn của kinh tế quốc tế.

"Chưa kể, nợ xấu cũng được xử lý tốt, ngoại hối kỷ lục (gần 79 tỷ USD) là lá chắn bảo vệ nền kinh tế đồng thời đây cũng là tiền đề quan trọng để gia tăng vị thế của kinh tế Việt Năm trong mắt nhà đầu tư nước ngoài",  ông Cường bình luận. 

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2020

Riêng với ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ vui mừng khi ngành ngân hàng đã có những đóng góp mang tính quyết định giúp cho ngành nông nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu trong năm vừa qua.

Ông Cường chỉ rõ, thứ nhất là ngành ngân hàng đã dành tới hơn 2 triệu tỷ đồng trong tổng số 8,2 triệu tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong năm 2019 (tương đương 25% tín dụng toàn nền kinh tế).

Thứ hai, xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp đạt 71 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 41,3 tỷ USD và cũng là mức cao kỷ lục, trong đó, một phần đóng góp của ngành ngân hàng trong việc giữ ổn định tỷ giá.

Ba là, không chỉ tập trung vốn cho các nhu cầu lớn của 13 nghìn doanh nghiệp trực tiếp, 49 nghìn doanh nghiệp gián tiếp mà ngành ngân hàng còn tập trung cho 15,8 nghìn Hợp tác xã, 39 nghìn trang trại và 8,6 triệu hộ nông dân.

“Chính các ngân hàng thương mại nói chung và Agribank, ngân hàng chính sách xã hội nói riêng đã thực hiện tốt chủ trương này, đúng phương châm phát triển đồng đều, không bỏ ai ở lại phía sau”, ông Cường nhấn mạnh thêm.

Cuối cùng, theo ông Cường, khi có bất cứ có thiên tai, dịch bệnh nào phát sinh, Thống đốc Lê Minh Hưng và các lãnh đạo ngân hàng đều có ngay các chỉ đạo xử lý rủi ro tín dụng cho khu vực nông nghiệp. “Một mặt là chia sẻ trách nhiệm mà quan trọng hơn nữa đó là tạo được niềm tin của người nông dân vào Chính phủ vào hệ thống ngân hàng”, ông Cường chia sẻ.

Từ tất cả những nỗ lực trên của ngành ngân hàng, đã giúp cho nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 2% bất chấp dịch tả lợn Châu phi hoành hành. Xuất khẩu kỷ lục 41,3 tỷ USD, 54% xã nông thôn mới…

Dư địa lớn, ngân hàng “đổ” thêm vốn vào nông nghiệp

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, ngành nông nghiệp còn có rất nhiều dư địa phát triển, không chỉ dừng lại ở mức 15% GDP như hiện nay.

Vị Bộ trưởng dẫn chứng, xuất khẩu cao hơn 41,3 tỷ USD nếu như làm tốt công tác chế biến, thị trường tiêu thụ; Số doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp gia tăng từ con số 3.000 doanh nghiệp lên 13.000 doanh nghiệp chỉ trong vòng 3 năm.

Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang có sự chuyển dịch lớn khi có sự đầu tư của các tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Masan, Vinamilk… Nhiều startup chọn lĩnh vực nông nghiệp để khởi nghiệp.

"Tất cả đều cho thấy, dư địa của ngành nông nghiệp còn quá lớn. Bởi vì các doanh nghiệp này không chỉ là chia sẻ trách nhiệm mà biết tìm dư địa lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, khu vực này rất cần tín dụng từ phía các ngân hàng.

Hiện tại tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 13%, trong khi ngành nông nghiệp mới là 11%. Chứng tỏ đầu tư dưới tiềm năng. Nợ xấu ít, nhu cầu nhiều, dư địa lớn…ngân hàng phải đầu tư hơn nữa vào nông nghiệp”, ông Cường nêu kiến nghị.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng mong rằng, Chính phủ và ngân hàng phải có cách nhìn nhận mới trong cho vay đối với lĩnh vực này. "Việc thế chấp là cổ điển, dứt khoát phải có cách nhìn mới và phải nghiên cứu ra thể thức mới, có như thế khai thác được tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều khi thế chấp vẫn đầy đủ cuối cùng vẫn rủi ro”, ông Cường nhấn mạnh thêm.