Năm 2019, ngành điều Việt Nam lập kỷ lục về lượng điều thô nhập khẩu lên gần 1,6 triệu tấn.
Năm 2019, ngành điều Việt Nam xác lập kỷ lục về lượng điều thô nhập khẩu lên gần 1,6 triệu tấn với kim ngạch nhập khẩu hơn 2 tỷ USD. Lượng điều thô này giúp Việt Nam tiếp tục xác lập vị trí hàng đầu thế giới về chế biến, xuất khẩu điều nhân.
Tuy nhiên, vấn đề chất lượng hạt điều thô nhập khẩu vẫn đang là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, uy tín của mỗi doanh nghiệp cũng như ngành điều Việt Nam trên thế giới.
Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) vừa phát đi thông báo gửi đến hội viên cũng như các doanh nghiệp ngành điều, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, áp dụng TCVN 12380:2018 trong các hợp đồng mua bán điều thô.
Điều thô nhập khẩu từ Tanzania được đưa lên tàu để chuyển về Việt Nam (Ảnh Internet).
Ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Vinacas cho biết, hạt điều thô hiện đang được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng về mặt kỹ thuật như mức thu hồi, độ ẩm, số hạt/kg, lượng hạt lép, hạt sâu… hay liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm như nhiễm mọt, nấm…
TCVN 12380-2018 là Tiêu chuẩn hạt điều thô nguyên liệu được Vinacas nỗ lực phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ NNPTNT xây dựng và đã được thông qua hồi giữa năm 2019.
Vinacas đánh giá đây là bộ tiêu chuẩn có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá, phân loại chất lượng nguyên liệu điều thô nhập khẩu và xử lý tranh chấp. Tiêu chuẩn này sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và thương hiệu của ngành điều Việt Nam.
Việc nhập điều giúp Việt Nam giữ vị trí hàng đầu về chế biến, xuất khẩu nhân nhưng cùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Do đó, để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nguyên liệu đưa vào chế biến, Vinacas khuyến cáo hội viên và các doanh nghiệp trong ngành, khi đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, cần áp dụng bộ tiêu chuẩn này trong điều khoản chất lượng để ràng buộc các bên thực hiện, và làm cơ sở pháp lý để các cơ quan liên quan giải quyết tranh chấp, vi phạm (nếu có).
“Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành cần đi tiên phong trong vấn đề này để TCVN 12380-2018 nhanh chóng phát huy tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng điều thô nhập khẩu”, ông Công đề nghị.
Mặt khác, với hạt điều có chấm sâu, các nhà máy phải xử lý rất khó khăn để tạo thành loại sản phẩm LP và SP, xuất khẩu chủ yếu cho thị trường Trung Quốc. Nhưng, từ năm 2019, Trung Quốc đã hầu như không nhập loại này nữa.
Các doanh nghiệp cần áp dụng bộ tiêu chuẩn hạt điều thô để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ thương hiệu của ngành điều Việt Nam.
Do đó, Vinacas cũng khuyến cáo các doanh nghiệp khi đàm phán, ký kết hợp đồng mua điều thô thì cố gắng để không tính hạt điều chấm sâu vào trong thu hồi. Nếu đàm phán khó khăn thì chỉ nên chấp nhận mức thu hồi 10 – 15% để tránh bị lỗ. Đồng thời, khi đàm phán, ký kết hợp đồng mua điều thô, cần cố gắng bỏ hoặc giảm thấp khoản tiền đặt cọc để giảm chi phí và bớt rủi ro; tốt nhất là dùng phương thức thanh toán L/C.
Vì tính quan trọng và cấp thiết của việc đảm bảo chất lượng hạt điều thô nhập khẩu, cuối tháng 12/2019, Vinacas cũng đã gửi công văn đến Bộ NNPTNT đề nghị Bộ sớm xem xét, tổ chức xây dựng và ban hành kịp thời Quy chuẩn Quốc gia về hạt điều thô. Vinacas sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan, tổ chức liên quan để có thể ban hành và triển khai thực hiện ngay trong niên vụ 2020. |