Cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn, 65 tuổi, đã dành nhiều tháng để chuẩn bị ra tòa đối mặt cáo buộc gian lận tài chính. Ít nhất đó là những gì chính quyền Nhật Bản tin tưởng.
Carlos Ghosn tại Pháp tháng 9/2018. Ảnh: AFP.
Ông bị giới chức Nhật bắt và bị Nissan sa thải vào tháng 11/2018 với cáo buộc khai man thu nhập và sử dụng sai mục đích tài sản của công ty. Ông được tại ngoại vào tháng 3/2019 nhưng bị bắt lại với cáo buộc chiếm dụng tiền của Nissan.
Cuối tháng 4/2019, Ghosn nộp 8,9 triệu USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại, nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Ông bị theo dõi 24/7 bởi hệ thống camera lắp ở bên ngoài nhà, bị cấm ra nước ngoài, hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ.
Các công tố viên Nhật ban đầu phản đối cho Ghosn tại ngoại với lập luận rằng ông có nguy cơ bỏ trốn cao, nhưng Ghosn khẳng định ông muốn ở lại Nhật để chứng minh mình vô tội. Luật sư biện hộ nhấn mạnh Ghosn là người nổi tiếng toàn cầu nên không thể ra nước ngoài mà không bị phát hiện.
Nhưng cả hệ thống tư pháp của Nhật lẫn đội ngũ luật sư của Ghosn đã "tẽn tò" khi tỷ phú này bỗng nhiên xuất hiện ở Lebanon vào đúng đêm giao thừa 31/12.
"Chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Tôi chết lặng", luật sư của ông, Junichiro Hironaka, nói với phóng viên ở Tokyo ngay sau khi biết Ghosn đã trốn thoát ra nước ngoài. "Tôi muốn hỏi ông ấy: sao ông làm thế với chúng tôi?".
Một câu hỏi rất nhiều người thắc mắc là Ghosn đã bỏ trốn như thế nào.
Kênh truyền hình MTV của Lebanon đưa tin Ghosn trốn khỏi ngôi nhà ở Tokyo nhờ một nhóm bán quân sự cải trang thành thành viên một ban nhạc đến nhà ông biểu diễn. Sau buổi biểu diễn của ban nhạc này, Ghosn, người cao 1,67 m, đã trốn trong một thùng đựng nhạc cụ lớn rồi được đưa thẳng đến sân bay địa phương.
Ông được đưa qua cửa kiểm soát của sân bay Nhật một cách trót lọt và bay sang Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi đến Lebanon bằng máy bay riêng. Mặc dù kênh truyền hình này không cung cấp bằng chứng, giả thiết được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vợ của Ghosn, Carole, nói với Reuters rằng giả thiết trên là "hư cấu". Bà từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cuộc đào thoát.
Thực tế, Ghosn không xa lạ với việc cải trang. Hồi tháng ba, để tránh mặt phóng viên, ông rời khỏi nhà tù khi cải trang thành một công nhân xây dựng, nhưng nhanh chóng bị truyền thông nhận ra và chế giễu. Luật sư của ông sau đó xin lỗi vì "kế hoạch nghiệp dư".
Hai nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng kế hoạch bỏ trốn được một công ty an ninh tư nhân sắp xếp trong ba tháng, bao gồm đưa Ghosn bằng máy bay riêng tới Istanbul trước khi đến Beirut vào rạng sáng 30/12. Ngay cả phi công cũng không biết Ghosn có mặt trên máy bay.
Trang web theo dõi chuyến bay FlightRadar24 cho thấy một máy bay tư Bombardier Challenger đến sân bay quốc tế Beirut-Rafic Hariri khoảng 4h sáng 30/12. Ghosn sau đó đoàn tụ với Carole, người sinh ra ở Beirut.
Financial Times nói Ghosn rời Nhật từ sân bay Osaka và đội ngũ giúp Ghosn bỏ trốn đã chia thành nhiều nhóm làm việc ở một số quốc gia. Những người Nhật ủng hộ Ghosn cũng hỗ trợ cuộc đào thoát. Ghosn không phải đeo vòng theo dõi điện tử trong thời gian tại ngoại.
Một số trang tin cho rằng Carole đóng vai trò chủ chốt trong việc sắp đặt kế hoạch đào thoát cho chồng. Bà đã nói chuyện với chồng hơn một giờ vào ngày 24/12. Trước đó, hai người bị cấm gặp mặt và liên lạc. Bà không bình luận về cáo buộc này.
Có nhiều thắc mắc về việc giấy tờ thông hành được Ghosn sử dụng để vào Lebanon. Ghosn có hộ chiếu Brazil, Pháp và Lebanon, nhưng đội ngũ luật sư của ông nói rằng họ vẫn giữ tất cả số hộ chiếu này khi ông rời Nhật Bản.
Không rõ liệu Ghosn có hai hộ chiếu cho một quốc tịch hay không, vì đôi khi các doanh nhân được phép làm vậy. Ghadi Khoury, quan chức Bộ Ngoại giao Lebanon, cho biết cựu chủ tịch Nissan vào nước này hợp pháp bằng hộ chiếu Pháp và thẻ căn cước Lebanon.
Cuộc đào thoát của Ghosn khiến Nhật Bản tức giận. Một chính trị gia Nhật đặt câu hỏi liệu có quốc gia nào hỗ trợ Ghosn hay không. Một cựu thống đốc Tokyo thì thẳng thắn hơn, cáo buộc Lebanon có liên quan trực tiếp.
Ghosn lớn lên ở Lebanon, sở hữu tài sản ở đây và được nhiều người Lebanon ngưỡng mộ, thậm chí ảnh của ông còn được in trên tem bưu chính nước này. Nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết đại sứ Lebanon tại Nhật Bản đã đến thăm Ghosn mỗi ngày khi ông bị giam. Đại sứ không phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin này.
Lebanon bác bỏ liên quan đến cuộc đào thoát của Ghosn. Nhật Bản đã viện trợ hàng triệu USD cho Lebanon và họ có thể sẽ yêu cầu Ghosn trở lại. Tuy nhiên, Nhật và Lebanon chưa ký thỏa thuận dẫn độ, trong khi kế hoạch xét xử Ghosn vào tháng 4 của Nhật cũng đang bị lung lay bởi cuộc đào thoát này.
Nhiều báo Nhật chỉ trích Ghosn là "hèn nhát". "Ghosn nói rằng ông ta chạy trốn khỏi cuộc đàn áp chính trị, nhưng ra nước ngoài mà không được phép là vi phạm điều kiện tại ngoại và coi thường hệ thống tư pháp Nhật Bản", tờ Tokyo Shimbun viết.
"Có khả năng cao là phiên tòa sẽ không được tổ chức và lập luận của Ghosn rằng ông ta muốn chứng minh mình vô tội đang bị nghi ngờ".