Năm nay, các nước Australia, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và chủ nhà Singapore đã mang các chiến hạm hiện đại tham gia triển lãm này. Dưới đây là một số chiến hạm đó.
Chiến hạm INS Kirch của Hải quân Ấn Độ.
INS Kirch là tàu hộ tống tên lửa, được lắp hệ thống radar cảnh báo sớm và hệ thống tác chiến điện tử hiện đại. Tàu được trang bị hai động cơ diesel với tổng công suất 14.200 mã lực.
INS Kirch dài 91.1m, rộng 10.45m và độ mớm nước 3.07m, tải trọng 1.350 tấn. Thủy thủ đoàn 79 người.
Trang bị vũ khí gồm: 4 bệ phóng KT-184 chống hạm. Mỗi bệ phóng có thể bắn bốn tên lửa Ural-E 3M-24E (SS-N-25 Switchblade). Tên lửa 3M-24E mang đầu đạn 145 kg, tầm bắn 130 km, tốc độ cận âm Mach 0.9; các tên lửa phòng không tầm ngắn Igla.
Để tăng khả năng chống ngầm, trên tàu còn một trực thăng Dhruv HAL; pháo bắn siêu nhanh AK-176 76mm tốc độ tới 120 viên/phút, tầm bắn 15,5 km; hai pháo 30mm AK-630 CIWS. bắn 3.000 viên/phút, tầm bắn 2 km.
Tàu khu trục tàng hình đa năng INS Satpura của Hải quân Ấn Độ.
Tàu được trang hệ thống tên lửa đất-đối-không Shtil, tên lửa hành trình siêu âm chống hạm Klub của Nga; Hệ thống tên lửa phòng không Barak của Israel.. Tàu chạy bằng động cơ diesel kết hợp khí (CODOG), tốc độ tối đa 32 hải lý/h.
Tàu cũng có thể mang theo hai máy bay trực thăng tiên tiến: HAL Dhruv (nội địa) hoặc hai Sea King MK hoặc 2 Kamov Ka-31.
Tàu hộ tống l’Adroit của Pháp.
l’Adroit là thế hệ chiến hạm tàng hình thứ hai, thuộc lớp FREMM hiện đại nhất thế giới. Tàu có lượng choán nước 2.400 tấn. Các tàu lớp FREMM được coi là “xương sống” của các lực lượng hải quân nước này. Các tàu lớp này được cho là có thể chống lại tất cả các loại mối đe dọa trên biển, đất liền hay trên không. Khi hoạt động độc lập, một tàu FREMM có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ như hộ tống đến hỗ trợ hỏa lực.
Tàu hộ tống tàng hình KRI Frans Kaisiepo của Hải quân Indonesia.
Tàu được đóng theo thiết kế của tàu chiến lớp Sigma (Hà Lan). Lượng giãn nước: 1,692 tấn.
Vũ khí: 2 bệ tên lửa phòng không MBDA Mistral TETRAL, bố trí phía trước và phía sau tàu. 4 tên lửa chống tàu MBDA Exocet MM40 Block II. Pháo hạm: Oto Melara 76 mm đặt ở phía mũi tàu. 2 Pháo phòng không x 20 mm Denel Vektor G12 (Lisence copy of GIAT M693/F2)
Ngư lôi: Sử dụng ngư lôi tiêu chuẩn châu Âu EuroTorp 3A 244S Mode II/MU 90 trong hai ống phóng đôi B515. Tàu còn có khả năng mang 1 trực thăng chống ngầm.
Khinh hạm KD Lekiu của Malaysia.
Đây là chiến hạm mạnh nhất và hiện đại nhất của Hải quân Malaysia do Nhà máy Yarrow của Anh đóng theo thiết kế chuẩn của tàu khu trục hạm hạng nhẹ F2000. Kích thước tàu: dài 106 mét, rộng 12,75m. Tàu đạt tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ và có tầm hoạt động khoảng 8.000 km. Thủy thủ đoàn của tàu là 146 người, gồm 18 sĩ quan.
Lekiu trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống hạm tầm ngắn MM-40 Block II Exocet. Vũ khí phòng không: Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Seawolf tầm bắn 6 km để đối phó với các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu siêu âm và tên lửa hành trình.
Ngoài ra, trên tàu còn 2 pháo phòng không 30 mm, tầm bắn 10 km, tốc độ bắn 650 phát/phút; pháo hạm Bofors 57 mm, tầm bắn 17 km. Lekiu còn lắp một hệ thống phóng lôi chống ngầm 324 mm. Boong tàu là nơi đỗ của trực thăng chống ngầm Lynx của hãng AgustaWestland.
Chiến hạm tàng hình RSS Formidable của Singapore.
RSS Formidable là loại tàu chiến được coi là hiện đại và uy lực mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á.
Khinh hạm RSS Formidable có lượng giãn nước 3.200 tấn, dài 114,8m. Tàu lắp 4 động cơ diesel cho phép đạt tốc độ tối đa 27 hải lý/h, tầm hoạt động gần 8.000km. Tàu được thiết kế với khả năng tự động hóa cực cao, nên thủy thủ đoàn của tàu biên chế chỉ có 70 người.
Trang bị vũ khí: 8 tên lửa hành trình đối hạm RGM-84 Harpoon tầm bắn 130km, 32 tên lửa đối không tầm trung Aster 15/30, hai cụm máy phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 324mm, pháo hạm 76mm, súng máy phòng không 12,7mm. Ở đuôi tàu có sân đáp và nhà chứa máy bay đáp ứng cho một trực thăng đa nhiệm S-70B Seahawk hoạt động.
Ngoài ra một số chiến hạm khác cũng đang tập trung tại quân cảng Changi
Huyền Phương