Mặn đã xuất hiện ở mức cao
Theo Bộ NNPTNT, ở ĐBSCL mặn đã xâm nhập ở mức cao đột biến từ ngày 11/12/2019. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi đợt triều cường và gió Đông Bắc cường độ mạnh, ranh mặn 4g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57km, cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 17km. Tình trạng trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lấy nước của các công trình thuỷ lợi.
Cống Tân Dinh – công trình lớn kiểm soát mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (địa phương chịu ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn) sắp hoàn thành. Ảnh: Huỳnh Xây
Bộ NNPTNT cho rằng, thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ ở mức cao trong các kỳ triều cường. Mức độ xâm nhập có thể thay đổi, tuỳ thuộc việc xả nước của các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Mekong. “Dự báo mùa khô năm nay ở ĐBSCL sẽ có hạn mặn rất khắc nghiệt, bởi qua quan trắc cho thấy, nước từ thượng nguồn năm nay bị thiếu hụt” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nói.
Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), xâm nhập mặn tại các cửa sông khu vực ĐBSCL đã diễn ra sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, trên hệ thống sông Vàm Cỏ, độ mặn 4g/lít đã vào sâu 50km trên sông Vàm Cỏ Tây, 1g/lít đã vào sâu 70km trên sông Vàm Cỏ Đông.
Trên hệ thống sông Cửu Long, sông Tiền tại Cửa Tiểu độ mặn 4g/lít đã vào sâu 50km tại cống Xuân Hoà, độ mặn 2g/lít đã vào đến TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), trên 3 sông chính của tỉnh Bến Tre gồm Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên thì độ mặn đã vào sâu xấp xỉ 60km.
Trên sông Hậu, tại Trần Đề, Long Phú, Đại Ngãi, An Lạc Tây (Sóc Trăng) độ mặn 4g/lít xâm nhập sâu khoảng 50km. Còn khu vực Biển Tây trên sông Cái Lớn, Cái Bé (Kiên Giang) độ mặn cũng lên đến 4g/lít và đã xâm nhập vào 50km.
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TNMT) cho hay, dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL trong tháng 1, 2/2020 rất hạn chế, khả năng thiếu hụt từ 10-30% so với TBNN và năm 2016. Biển Hồ (Campuchia) cũng có mực nước thấp nên khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều. Do vậy, thời gian xâm nhập mặn cao nhất tập trung vào ĐBSCL là tháng 1 và tháng 2, riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn là vào tháng 3. Từ giữa tháng 3 đến tháng 6, xâm nhập mặn có xu hướng giảm dần.
Cũng theo ông Cường, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước tại các đập ở Trung Quốc sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016.
Sẽ thiệt hại ra sao?
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, thời gian tới, mặn có thể gây khả năng thiếu nước ngọt cho khoảng 14.500ha vụ lúa mùa, trong đó Kiên Giang 6.000ha, Cà Mau 3.500ha, Bạc Liêu 5.000ha. Còn lúa Đông Xuân, đến nay diện tích xuống giống là 1.505.000ha, trong đó diện tích cần cung cấp nước tưới trong trường hợp mặn kéo dài là 332.000ha. Được biết, trước đó các địa phương đã chuyển 100.000ha đất sản xuất lúa hàng năm có nguy cơ thiệt hại cao do hạn mặn sang cây trồng khác hoặc cho lùi thời vụ.
“Mặn xâm nhập năm 2019-2020 có thể tương đương 2015-2016 nhưng khả năng gây thiệt hại đối với sản xuất lúa sẽ giảm thiểu đáng kể. Do nhiều diện tích lúa đã được dịch chuyển thời vụ phù hợp, nhiều công trình thuỷ lợi đã được đầu tư mới, có thể chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tăng thêm 50.000ha so với năm 2015-2016” - ông Tỉnh nhận định.
Về cây ăn trái, ông Tỉnh cho biết, tổng diện tích có thể bị ảnh hưởng là 136.000ha, bằng 39,1% diện tích cây ăn quả toàn vùng. Trong đó, Long An bị thiệt hạn nặng nhất với 12.900ha, kế đến là Tiền Giang 28.000ha. Về nước sinh hoạt, mặn xâm nhập cũng đã làm 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong khi đó phần lớn các hộ dân là thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng. Dự báo trong mùa khô tới, có khoảng 158.900 hộ thiếu nước sạch sinh hoạt, trong đó 24.000 hộ dân ở vùng có công trình cấp nước tập trung, còn lại là vùng cấp nước quy mô nhỏ lẻ.
Để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra do mặn xâm nhập, Chính phủ, Bộ NNPTNT, UBND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã có nhiều chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. “Đến nay 11 dự án các công trình nông nghiệp nông thôn do Bộ làm chủ đầu tư cùng với hàng chục công trình do các tỉnh đầu tư đã hoàn thành và sẵn sàng tham gia ứng phó với mùa hạn mặn mùa khô năm 2019-2020” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Tại hội nghị, Bộ NNPTNT đề xuất với các đơn vị có liên quan làm việc với các nước thượng nguồn sông Mekong để thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thuỷ điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo xâm nhập mặn. Đồng thời, đề xuất tăng xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho ĐBSCL trong trường hợp cần thiết.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn, theo đó huy động cả hệ thống chính trị và người dân tham gia công tác phòng chống thiên tai. Từ đó, bảo vệ mùa màng, sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nước sinh hoạt.
Riêng Bộ NNPTNT, Phó Thủ tướng đề nghị phối hợp với các địa phương chủ động bố trí ngân sách để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn mặn. Bộ TNMT tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan để chỉ đạo sản xuất phù hợp.