Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco).
Thông tin THACO của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ chính thức hợp tác với Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh xuất hiện khoảng hơn 1 tháng. Đại diện HVG cho biết lễ ký hợp tác chiến lược giữa Thuỷ sản Hùng Vương và Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI, công ty con của THACO sẽ diễn ra vào ngày 9/1 tại Tp.HCM. Nội dung hợp tác chưa được tiết lộ, tuy nhiên vị này cho biết THADI sẽ hợp tác đầu tư tại mảng chăn nuôi của HVG (bao gồm thuỷ sản và chăn nuôi heo).
Thông tin về sự hợp tác giữa ông Dương Ngọc Minh và ông Trần Bá Dương thực tế không gây bất ngờ, bởi tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, bản thân ông Dương đã từng đề xuất các doanh nghiệp cần tăng cường đoàn kết, hợp tác với nhau nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình hội nhập.
"Vừa qua chúng tôi đã hợp tác với HAGL Agrico. Sắp tới, chúng tôi sẽ hợp tác tiếp với một doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp, hỗ trợ thêm một vài doanh nghiệp nhỏ vào cấu trúc doanh nghiệp của chúng tôi”, ông Trần Bá Dương cho biết.
Công ty CP Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp (Thadi) là một công ty con của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), nằm dưới sự điều hành của ông Trần Bá Dương.
Bản thân Thadi cũng mới được thành lập vào thời điểm cuối tháng 3/2019, chỉ hơn 7 tháng sau bắt tay giữa ông Trần Bá Dương và ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vào tháng 8/2018, cùng những cam kết đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai.
Dù vốn điều lệ ban đầu của Thadi chỉ là 900 tỷ đồng, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần với 3 cổ đông lớn là Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) nắm giữ 70% giá trị vốn góp, ông Trần Bá Dương 19% giá trị vốn góp, ông Đỗ Xuân Diện nắm giữ 11% giá trị vốn góp.
Song trong thời gian qua, Thadi đã liên tục gây chú ý khi nhờ những thương vụ nhận chuyển nhượng cổ phần từ các công ty cao su của bầu Đức, bao gồm Công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên, Công ty TNHH Đông Pênh và Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương. Theo tính toán, giá trị chuyển nhượng của 3 thương vụ nêu trên lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Cùng với quá trình nhận chuyển nhượng các công ty con từ HAGL Agrico của bầu Đức, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của ông Trần Bá Dương tại Thadi cũng ghi nhận sự thay đổi. Theo đó, trong đợt thay đổi thông tin doanh nghiệp ngày 22/7/2019, ông Trần Bá Dương đã thoái 12,6 triệu cổ phần tại Thadi, qua đó giảm tỷ lệ cổ phần sở hữu tại doanh nghiệp xuống còn 5%. Tương tự, ông Đỗ Xuân Diện đã thoái 5,4 triệu cổ phần để giảm tỷ lệ vốn góp tại Thadi từ mức 11% về 5%.
Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của Thaco tại Thadi không thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc có sự xuất hiện một hoặc một số cổ đông khác tại Thadi nhưng doanh nghiệp không công bố thông tin cụ thể liên quan tới những cổ đông này.
Mới đây nhất, trong một thông tin công bố vào ngày 31/12/2019, Thadi đã tiếp tục tăng vốn điều lệ đăng kí từ 1.500 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 4/10/2019, doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương cũng công bố việc thay đổi vốn điều lệ từ mức 900 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.
Dù mục đích tăng vốn lần này chưa được phía Thaco hay Thadi chia sẻ chi tiết. Song động thái tăng vốn của Thadi diễn ra chỉ ít ngày trước khi Công ty CP Hùng Vương chia sẻ việc sẽ ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp (Thadi) vào ngày 9/1/2020.
Cụ thể, Thadi sẽ hợp tác với Hùng Vương của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh để đầu tư mảng chăn nuôi, bao gồm thuỷ sản và chăn nuôi heo.
"Vua cá tra" Dương Ngọc Minh.
Về phía Công ty CP Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh, từ vị thế “vua cá tra”, doanh nghiệp đã dần đánh mất thị phần, rồi rơi vào tình trạng thua lỗ. Năm 2019, khi ngành cá tra Việt Nam đối mặt với khó khăn do giá cá nguyên liệu đã giảm tới 47%, kéo theo giá xuất khẩu giảm sâu đã khiến Hùng Vương phải kinh doanh dưới giá vốn để rồi ghi nhận khoản lỗ gộp 36 tỷ đồng trong quý IV niên độ 2018 – 2019.
Trong quý 4/2019, HVG đạt 687 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 1000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Do bán hàng thấp hơn giá vốn dẫn đến việc HVG ghi nhận khoản lỗ gộp 36 tỷ đồng; lỗ ròng của quý 4 là 242 tỷ đồng. Lũy kế cả năm tài chính 2018-2019, doanh thu của HVG giảm từ 8.100 tỷ xuống 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 600 tỷ, từ 104 tỷ xuống âm 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm từ 1,5 tỷ xuống âm 476 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2019, lỗ lũy kế của HVG đã lên đến 892 tỷ đồng.
Một vấn đề hiện hữu đối với Thuỷ sản Hùng Vương là tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng khiến doanh nghiệp phải liên tiếp bán ra tài sản, và cổ phần sở hữu ở công ty con/liên kết để có tiền phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh và giải quyết các khoản nợ tới hạn phải trả.
Đây là hệ luỵ sau một thời gian dài ông Dương Ngọc Minh và các cộng sự duy trì tỷ lệ Khoản phải thu/Tổng tài sản ở mức cao và vay nợ nhiều, đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn vốn lưu động.
Đây có thể sẽ là bài toán khó đối với ông Trần Bá Dương sau khi Thadi và Thuỷ sản Hùng Vương ký kết hợp tác chiến lược.
Sau đợt giảm sâu khi thông tin đợt POR 14 được công bố với kết quả đi ngược hoàn toàn kỳ vọng của ban lãnh đạo, cổ phiếu HVG khoảng 1 tháng trở lại đây liên tục tăng nóng, thanh khoản cũng tăng đột biến từ khi xuất hiện thông tin Thadi và Thuỷ sản Hùng Vương. Giao dịch đột biến trên của HVG diễn ra trong bối cảnh kinh doanh tiếp tục kém sắc, lỗ luỹ kế tính đến cuối quý 3/2019 lên đến 650 tỷ đồng.