Dân Việt

Uống rượu lái xe bị phạt: Quán nhậu tung chiêu "bạn uống tôi lái" giữ khách có khả thi?

Quỳnh Nguyễn 04/01/2020 11:33 GMT+7
Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, một số quán nhậu tại TP.HCM đã tung chiêu giữ khách bằng dịch vụ lái xe đưa khách say về tận nhà. Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện vì vấn đề thoả thuận với khách hàng khi say, tài sản của khách và chi phí của nhà hàng bị tăng lên khi phải tìm kiếm thêm người cho dịch vụ này.

Kể từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực. Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm để phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Quán nhậu tung “chiêu”

Trước biện pháp chế tài mạnh đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có vi phạm nồng độ cồn, nhiều người sử dụng rượu bia đã có ý thức hơn khi lựa chọn các loại hình dịch vụ xe công nghệ, taxi truyền thống hoặc gọi người nhà đến đưa về. Còn các quán nhậu tại TP.HCM đã có thêm dịch vụ lái xe đưa khách về tận nhà nhằm đảm bảo an toàn cho khách vừa không ảnh hưởng đến kinh doanh của quán.

Ông Hoàng Anh Tuấn, chủ hệ thống nhà hàng quán ăn Nhất Nướng Sài Gòn (phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết từ ngày 2/2/2020, quán đã bố trí nhân viên đưa khách đã sử dụng rượu, bia về tận nhà khi có nhu cầu.

img

Nhằm đảm bảo an toàn, khách nhậu sẽ được đưa về nhà bằng ô tô do nhà hàng bố trí.

Theo ông Tuấn, phụ thuộc vào lượng khách tới quán, sẽ có từ 3 đến 5 tài xế phục vụ và chi phí sẽ phụ thuộc vào quãng đường khách về. “Trong trường hợp khách đi ô tô đến quán mà đã sử dụng rượu bia, chúng tôi sẽ có tài xế lái xe chở khách về. Còn trong trường hợp khách có nhu cầu đi ô tô hoặc xe máy của nhà hàng, chúng tôi cũng bố trí phục vụ khách về nhà an toàn và tuân thủ luật giao thông” - ông Tuấn nói thêm.

Còn theo ông Phạm Công Bình, chủ một nhà hàng tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM, từ tháng này, ông sẽ chủ động liên kết với các tài xế xe ôm công nghệ để đưa khách đã sử dụng rượu bia về tận nhà. Xe của khách nhậu sẽ được nhà hàng bố trí trông giữ, đảm bảo an toàn qua đêm.

Thực tế, ý tưởng đưa người say về nhà không mới, những dịch vụ chuyên nghiệp như ứng dụng “Bạn uống tôi lái” đã xuất hiện từ năm 2016. Tuy nhiên số người say biết và sử dụng đến dịch vụ này còn hạn chế. Hay ứng dụng Rada có mục "Cứu hộ giao thông", trong đó có dịch vụ đón khách về nhà và đảm bảo đưa phương tiện về bãi đỗ. Biểu phí cho việc đưa người và xe về nhà đối với xe máy là 300.000 đồng/lượt, còn với xe hơi là 500.000 đồng/lượt.

Thời gian gần đây, khi Nghị định 100 đi vào thực tiễn, các dịch vụ mới cũng bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội như nhóm "Say gọi xế - Xế nhận say" kết nối giữa người vừa uống rượu bia và tài xế cũng được khá nhiều người chú ý. Tuy nhiên, vì mới lập ra nên cách hoạt động và biểu phí trong nhóm này vẫn chưa được thống nhất rõ ràng.

img

Một số công ty có dịch vụ đón khách đã uống rượu, bia về nhà với cước phí từ 300 -500 nghìn đồng.

Liệu có khả thi?

Việc xuất hiện các dịch vụ mới hỗ trợ dân nhậu về nhà an toàn và tuân thủ luật pháp là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo chủ một số nhà hàng quán ăn khác trên địa bàn TP.HCM, việc bố trí tài xế đưa đón khách đã sử dụng rượu bia cũng khá phức tạp, đặc biệt khi khách đi ô tô mà quán bố trí tài xế đưa khách về, nếu xảy ra sự cố hay mất tài sản thì rất dễ xảy ra xích mích hay hơn thế nữa.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Đinh Công Hùng chủ một nhà nhà hàng trên đường Hoàng Sa (quận Phú Nhuận, TP.HCM) bày tỏ quan điểm rằng, dịch vụ này là một giải pháp tạo ra sự an toàn, nhưng khó thực hiện trong thực tế.

"Lượng khách tới quán tôi rất đông, nếu vài người say thì không vấn đề gì nhưng nhiều người say thì không thể đủ xe và người để đưa họ về nhà. Mặt khác, nếu đưa họ về nhà thì đương nhiên phải thuê thêm nhân lực, khi say xỉn khách hàng không còn đủ tỉnh táo để thoả thuận về khoản chi phí này, vậy thì ai sẽ là người chi trả?", anh Hùng bày tỏ.

"Khách hàng say xỉn đa phần không bao giờ nhận mình say, vẫn khăng khăng tự mình có thể lái xe về nhà.Họ không những cố chấp mà còn sẵn sàng gây gổ với nhân viên trong quán nếu được khuyên can", anh Văn Thành, quản lý một quán bia ở đường chủ quán ăn ở đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ.

Câu chuyện đưa người say về nhà khi được đưa ra thảo luận trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người cũng bày thực tế sẽ này sinh rất nhiều vấn đề bất cập như: Lực lượng nào sẽ đưa người say về nhà? Người say không nhớ địa chỉ, lúc ấy phải đưa họ về đâu cho an toàn? Hoặc xảy ra cướp rồi thả người say đâu đó, hay khách nữ say bị xâm hại thì phải giải quyết thế nào và ai sẽ chịu trách nhiệm?

Anh Nguyễn Minh Hảo, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho hay có thói quen ngồi nhậu cùng bạn bè cho biết: Một khi đã say thì khó có thể kiểm soát được bản thân và luôn nghĩ là mình đủ tỉnh táo để có thể tự đi về nhà. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

“Tôi nghĩ dịch vụ này nếu muốn triển khai thì trước hết phải nhiều người biết đến, và khi vào quán nhậu khách hàng phải có thoả thuận trước với nhà hàng. Việc các quán trực tiếp đưa dân nhậu về nhà còn gặp vấn đề từ nhiều phía nhưng nếu kết hợp với các hãng taxi thì tôi nghĩ mức độ khả thi sẽ cao hơn”, anh Hảo nêu ý tưởng.

Các mức phạt lái xe có nồng độ cồn

Theo Nghị định 100/2019, các mức phạt dành cho các tài xế uống rượu, bia như sau:

Đối với người điều khiển xe đạp:

Phạt tiền 80.000-100.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 200.000-300.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với xe máy:

Phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 4-5 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:

Phạt tiền 3-5 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với ô tô:

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.